Tại chung cư JSC 34 (Hà Nội), nơi xảy ra hỏa hoạn làm 2 người chết tối 10/3, phòng chứa và xử lý rác được bố trí ở tầng trệt. Hệ thống thu gom chạy song song với đường dẫn thang máy nối thông từ mặt đất lên 18 tầng. Tại mỗi tầng có cửa thu gom.
Tuy nhiên, vị trí cửa thu gom rác nằm đối diện với cửa thoát hiểm khiến cửa thoát hiểm lại tập trung khói dày đặc nhất khi hỏa hoạn xảy ra. Theo cán bộ phòng cháy chữa cháy, đây là nguyên nhân giải thích vì sao cư dân tầng 17, 18 đã không thể chạy bộ để thoát hiểm.
Bắt nguồn từ phòng chứa rác, song đây lại là nơi ít chịu ảnh hưởng nhất. Rác trong thùng chỉ bị cháy sém phần trên, tường của căn phòng không ám nhiều khói, trong khi các ống dẫn cháy xém vì không chịu được lửa. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Tại hiện trường, đường ống dẫn rác thông suốt 18 tầng bị cháy toàn bộ. Càng lên cao, cửa thu gom rác càng bị cháy dữ dội, ống dẫn chỉ còn trơ khung sắt. Theo nhiều cư dân, chính chất liệu cấu tạo nên ống dẫn rác đã cháy (theo nguyên tắc phải chịu được nhiệt) và góp phần khiến vụ hỏa hoạn trở nên dữ dội.
Việc phòng cháy chữa cháy tại khu chung cư JSC bị chính cư dân tại đây cho là "có vấn đề". Chỉ vào tờ giấy hướng dẫn phòng cháy và thoát hiểm khi cháy tại cửa thang máy tầng 1, chị Hoa, cư dân sống tại tầng 17 tòa nhà khẳng định, hướng dẫn mới được dán ngay sau vụ hỏa hoạn.
Ngoài ra, hầm chứa rác của các khu chung cư thường được thiết kế nằm sát cầu thang thoát hiểm. Nên khi có cháy nổ, khói bốc nghi ngút tại khu vực này thì chắc chắc cầu thang thoát hiểm không thể phát huy được tác dụng
Tại nhiều chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố, người dân không được Ban quản lý dự án tòa nhà hướng dẫn quy định phòng chống cháy, đặc biệt là không được đưa chất dễ cháy vào hầm rác. Chị Phương Thảo, cư dân khu đô thị Mễ Trì Hạ, cho biết, từ khi đến ở tới nay, Ban quản lý chưa hề có bất cứ hướng dẫn về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp khẩn cấp, lại càng không có bất cứ buổi diễn tập nào.
"Sau khi xảy ra vụ cháy tại Mễ Trì Hạ, Ban quản lý đến nay cũng chưa được làm rõ hay thông báo chính thức. Người dân chỉ bảo nhau rằng ai đó đổ rác gây cháy ra thùng chứa rác, thực tế là lửa cháy lên ngùn ngụt từ khu vực này", chị Thảo cho biết.
Ống dẫn rác tại tầng 17 tòa nhà JSC 34 cháy trơ khung. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Tại khu đô thị mới Pháp Vân, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình 1-2... các ban quản lý dự án thường dán các tờ giấy hướng dẫn phòng chống cháy nổ tại bảng thông báo với những nội quy chung như tắt điện, khóa bình ga trước khi người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, bản quy định này không hề đưa ra yêu cầu người dân không được ném chất dễ cháy vào hầm chứa rác.
"Trước đây, nhiều hộ dân vẫn đốt vàng mã ở ban công khiến bụi bay mù mịt và đổ tàn tro vào hầm rác. Hiện tổ dân phố đã sắm một chiếc lư lớn để người dân đốt vàng mã nên tình trạng này không tái diễn. Tuy nhiên, một số hộ dân ở đây vẫn đun bếp than tổ ong rất đáng lo ngại", chị Phương Linh, cư dân Nơ 23 khu đô thị Pháp Vân, cho biết.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã xảy ra 5 vụ cháy tại các nhà cao tầng, phần lớn do nguyên nhân là chập điện và cháy buồng đổ rác. Đợt kiểm tra cuối năm 2009, Công an Hà Nội cũng đã phát hiện hệ thống phòng cháy một số công trình lâu ngày không được bảo dưỡng nên đã bị tê liệt, hư hỏng, cửa thoát hiểm cũng bị làm biến dạng công năng, nhiều nơi khóa kín cửa hoặc bị kho chứa đồ che chắn....
Tại TP HCM nhiều cư dân cũng hoang mang sau khi sự cố cháy chung cư 18 tầng tại Hà Nội. Chị Thủy ngụ chung cư Hoàng Anh 2, quận 7, giật bắn khi nhớ lại thói quen cũ của mình. Chị tiết lộ với VnExpress.net: "Tôi từng sơ ý đốt vàng mã xong không kiểm tra đã dập hết lửa chưa mà cho ngay vào hố rác trong nhà thông với cả hệ thống gom rác từ dưới lên trên". Còn chị Phương ngụ lầu 12 chung cư này thừa nhận nhiều lần nhắc chồng về việc tùy tiện vứt tàn thuốc vào hố rác vì ông xã không kiểm tra tàn lửa.
Nhiều người sống tại chung cư Hoàng Anh 2 cho hay, họ rất lo ngại bởi lẽ cửa thoát hiểm và hệ thống thu gom rác tại tòa nhà bố trí cạnh nhau, còn rác của cả tòa nhà đều bỏ chung vào hệ thống ống và tập trung về một chỗ.
Nhiều cư dân khác sống ở chung cư Mỹ Phước (Bình Thạnh), chung cư Vạn Đô (quận 4), chung cư Mỹ Thuận (quận 8)... cũng tỏ ý lo ngại nguy cơ hỏa hoạn từ rác. Bởi lẽ, ý thức của cư dân còn hạn chế trong việc vứt rác có sinh nhiệt như: tàn thuốc, mụi than, tàn nhang khi thắp hương, cúng kiến...
Thậm chí do bất an về chuyện trị "bà hỏa", một cư dân ngụ ở chung cư tái định cư B27, quận 2 còn thủ cuộn thang dây trong nhà. Số là vì mất yên tâm, lo ngại các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chung cư tái định cư chưa đủ an toàn, ông đã mua thêm cuộn thang dây để phòng thân.
Giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh, Lê Hùng cho rằng, dù nội quy phòng cháy đã quy định rõ song do thói quen có không ít người vi phạm. Theo hồ sơ quản lý của chung cư Hoàng Anh Gia Lai, năm ngoái tòa nhà từng xảy ra tình trạng thiết bị báo nhiệt liên tục phát tín hiệu. Sau khi kiểm tra và tung cửa vào căn hộ không có người, lực lượng quản lý phát hiện một ấm nước đang bị đun cạn ở nhiệt độ cao. Chủ nhà đã quên tắt ấm nước và đi ra ngoài, chỉ một sơ xuất nhỏ nhưng khiến tòa nhà một phen hú vía vì bị ám ảnh nguy cơ cháy.
Theo ông Tô Xuân Thiều, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, ở nhiều khu chung cư, người dân dễ dàng ném tàn tro hóa vàng, than quạt chả, than lò chưa tàn vào buồng chứa rác. Sau khi xảy ra các vụ cháy chung cư từ hầm chứa rác tại chung cư 25 Vũ Ngọc Phan, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã khuyến cáo người dân.
Phó trưởng phòng đội 2 Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM Vũ Văn Bổn cho rẳng, phòng cháy chữa cháy là yêu cầu bắt buộc đối với nhà cao tầng. Tuy nhiên ý thức của người dân về việc tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy tại chung cư vẫn còn hạn chế.
Theo ông Bổn, chủ đầu tư và cư dân phải tuân thủ nội quy tòa nhà; không được tự ý câu điện, nghiêm cấm việc tùy tiện mang lửa, nguồn nhiệt vào tòa nhà; khi ra khỏi căn hộ phải tắt mọi thiết bị điện, bếp, bàn ủi, đèn các loại... Người dân và chủ đầu tư nên thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống gas, rác, loa phát thanh, đường dây điện, hệ thống bóng đèn để tránh bị chập điện và rò rỉ gas.
Riêng đối với các đội phòng cháy chữa cháy cấp cơ sở, ban quản lý tòa nhà hay lực lượng bảo vệ bắt buộc phải biết cách sử dụng thành thạo hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy. "Không thể đổ lỗi vì bảo vệ mới hoặc ban quản lý có sự thay đổi nhân sự mà lơ là việc bảo trì, vận hành thiết bị phòng cháy chữa cháy", ông nói.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã xảy ra 5 vụ cháy tại các nhà cao tầng, phần lớn do nguyên nhân là chập điện và cháy buồng đổ rác. Trước đó, ngày 20/12/2009, người dân khu nhà CT4-1 cao 10 tầng thuộc khu đô thị Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm đã hoảng loạn vì cột lửa kèm theo khói từ khu để rác dưới tầng một, bốc thẳng lên tầng 9, biến cả khu nhà chìm trong biển khói. Người dân còn thấy những con chuột bị cháy xém chui ra từ hầm chứa rác. Để chữa cháy, lực lượng cảnh sát đã phải huy động 4 xe cứu hóa và lực lượng chữa cháy trong 2 giờ mới khống chế được đám cháy. Ngày 20/6/2009, tại chung cư 13 tầng tại 25 Vũ Ngọc Phan cũng xảy ra vụ cháy lớn, nguyên nhân được xác định là do các hộ dân trong chung cư đốt rác không hết đã đổ xuống hầm rác gây hỏa hoạn. Hôm nay UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo kiểm tra công tác phòng chống cháy ở các chung cư trên toàn địa bàn. |
Đoàn Loan - Vũ Lê