
Công ty xây lắp điện Hải Phòng tháo dỡ đèn nghệ thuật trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: Giang Chinh.
Ngày 19/11, ông Trần Văn Nguyên (Trưởng phòng dự án) Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm, nhà thầu thi công hệ thống đèn nghệ thuật đường phố hơn 20 tỷ đồng trang trí khu trung tâm Hải Phòng trả lời VnExpress về việc phải tháo bỏ hệ thống này sau 2 năm lắp đặt.
- Hệ thống đèn trị giá 24 tỷ đồng vừa lắp đặt 2 năm phải dỡ bỏ khiến người dân Hải Phòng hoài nghi về chất lượng không tương xứng giá trị công trình, ông nói gì về điều này?
- Hệ thống đèn nghệ thuật ngoài trời đang được thành phố Hải Phòng dỡ bỏ vì nó đã cũ, hết thời hạn sử dụng và tuổi thọ của đèn. Sơn Lâm lấy làm tiếc vì việc này đúng ra phải được thực hiện sớm hơn.
Đèn trang trí, đèn led là sản phẩm có tuổi thọ không bền và mau hỏng khi được trưng lâu ngày ngoài trời. Sau mỗi đợt phục vụ đúng ra đèn phải được tháo dỡ, lưu kho bảo quản để tái sử dụng.
- Vì sao hệ thống đèn không được bảo quản để tái sử dụng như ông nói?
- Cuối năm 2014, một số đơn vị được UBND thành phố chọn làm nhà thầu thi công hệ thống đèn nghệ thuật phục vụ Tết Nguyên đán 2015 và kỷ niệm 60 năm ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955- 13/5/2015).
Sơn Lâm khi đó được giao đảm nhận trang trí tại 6 phố trung tâm và đường Lê Hồng Phong với gói thầu 21 tỷ đồng, thời hạn sử dụng trong hai năm. Đợt một hệ thống đèn được bật vào dịp Tết Nguyên đán 2015 và 13/5/2015; đợt hai là Tết Nguyên đán 2016 và dịp 13/5/2016.
Dù thời gian thi công gấp rút, song nhà thầu đã hoàn thành đúng cam kết, được nhân dân và các cấp lãnh đạo thành phố khi đó đánh giá rất cao.
Quyết định 188 của Sở Văn hóa (chủ đầu tư) nêu, thời hạn sử dụng mỗi đợt là 110 ngày, sau đó nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm tháo dỡ, lưu kho. Tuy vậy, sau mỗi đợt sử dụng, đơn vị xin tháo dỡ để bảo quản thì gặp một số vướng mắc trong thủ tục hành chính. Dưới thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc, hệ thống đèn bị huỷ hoại, nhiều dây đèn đứt buông xuống. Sơn Lâm đã hai lần sửa chữa lại.

Hệ thống đèn khi mới lắp đặt đầu năm 2015. Ảnh: Giang Chinh.
- Vướng mắc gì khiến việc tháo dỡ lại khó khăn như vậy?
- Đó là do dự án chưa được cơ quan chức năng của Hải Phòng kiểm kê, quyết toán. Đến đầu năm 2016, Hải Phòng thành lập hội đồng thẩm định, dự án mới chính thức được Sơn Lâm bàn giao cho chủ đầu tư.
- Vậy chi phí sửa chữa do bên nào chi trả?
- Số tiền này nằm trong hạng mục chi phí sửa chữa, đã có trong hợp đồng ký kết ban đầu khi thực hiện dự án.
- Thành phố đã hoàn trả cho Sơn Lâm bao nhiêu trong tổng số vốn đầu tư?
- Ngay từ đầu, Sơn Lâm xác định đây là dự án đầu tiên hợp tác với thành phố Hải Phòng, chúng tôi không đợi cấp đủ tiền mới làm mà tự bỏ tiền ra trước. Hiện dự án đèn nghệ thuật Sơn Lâm mới nhận được số tiền không lớn so với giá trị của dự án. Chúng tôi chỉ có mong muốn nhỏ, trong thời gian tới Hải Phòng thực sự đổi mới về cải cách thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, tránh gây thiệt hại cho chính thành phố và các doanh nghiệp khi chọn Hải Phòng làm điểm đến.