Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (Điện Biên Phủ, Hà Nội) trưng bày hai chiếc MIG 21 đều được công nhận là bảo vật quốc gia. Hai chiếc số hiệu 4324 và 5121 từng thuộc biên chế đội hình tiêm kích của Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn 371, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ bao gồm cả B52. 921 cũng là trung đoàn tiêm kích đầu tiên sử dụng máy may chiến đấu MIG 21 do Liên Xô (cũ) viện trợ.
Chiếc MIG 21 mang số hiệu 4324 màu xám bạc, được công nhận là bảo vật quốc gia đầu năm 2015 nằm ở khu vực nổi bật, ngay phía cổng vào của bảo tàng. 14 ngôi sao đỏ bên cạnh số hiệu ghi dấu chừng ấy lần máy bay Mỹ các loại bị chiếc MIG này bắn hạ.
MIG 4324 nằm trong đội hình máy bay tiêm kích được Liên Xô (cũ) viện trợ cho không quân Việt Nam tháng 1/1967. Trong năm đó, chiếc máy bay này đã xuất kích 69 lần, gặp máy bay Mỹ 22 lần, bắn 25 quả tên lửa và hạ tổng cộng 14 máy bay hiện đại của Mỹ (7 chiếc F105, 5 chiếc F4, 1 chiếc A4 và 1 chiếc RF101). 8 trong số 9 phi công thay nhau lái chiếc máy bay này được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nói về chiếc MIG 4324, đại tá Bùi Văn Cơ, nguyên tổ trưởng kỹ thuật của trung đoàn 921 cho hay, đầu năm 1967, hàng chục chiếc MIG 21 được vận chuyển từ Liên Xô về Việt Nam bằng đường thủy. Các chuyên gia Liên Xô sang tận nơi cùng cán bộ kỹ thuật của trung đoàn lắp ráp.
Ngày ấy, trung đoàn đóng quân ở sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Nhà xưởng bị trúng nhiều bom. Ôtô chở container chứa máy bay đã tháo rời đến các rìa làng để lắp ráp vào ban đêm. Thiếu ánh sáng, lính kỹ thuật phải cầm đèn pin rọi cho nhau để lắp ráp máy bay. Không có cần cẩu, họ lấy sức người kéo phần cánh, động cơ, thân đuôi nặng hàng tấn ra ngoài để lắp.
Để bảo vệ máy bay, các chiến sĩ phải làm hầm tránh bom. Họ xếp từng tấm ghi sắt, ray đường tàu hỏa thành mái hầm chữ A khổng lồ rồi vào làng xin rơm, nhào đất dày tới 30 cm trát lên nóc tạo thành hầm chứa ngoài sân bay nhằm tránh sự nhòm ngó của máy bay trinh sát Mỹ.
"Qua thời gian chiến đấu, đội hình MIG 21 bị hư hỏng gần hết, có ngày chỉ còn lại hai chiếc MIG 4324 và 4326 làm nhiệm vụ trực chiến", đại tá Cơ cho hay.
Năm 1968, không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc, các sân bay trở thành mục tiêu ném bom. Sau trận đánh cuối cùng tháng 12/1967, chiếc MIG 4324 cùng hàng trăm máy bay khác được gửi sang sân bay Tường Vân (Trung Quốc).
Thượng tá Đỗ Văn Sủng, nguyên Phó phòng kỹ thuật Sư đoàn 371 là người gắn bó với chiếc máy bay sau thời gian nghỉ chiến đấu. Ông đã sửa chữa thành công, "cứu sống" chiếc MIG khi nó bị hỏng hóc.
Ông Sủng kể, đầu năm 1969, đoàn công tác của trung đoàn được cử sang Trung Quốc để đưa hơn 200 chiếc máy bay chiến đấu về nước. Khi thủ tục đã hoàn tất, ông Sủng khởi động chiếc 4324 nhưng máy không nổ. Đoàn quyết định đưa những chiếc "còn sống" về trước và sửa chữa chiếc máy bay bị hỏng. Sửa không được, Bộ Quốc phòng chỉ thị tháo rời các bộ phận máy bay và đưa về Việt Nam bằng tàu hỏa.
"Chúng tôi biết tin thì xót cho chiếc 4324. Chuyển bằng tàu hỏa, dọc đường xóc nảy, các bộ phận sẽ bị móp méo ít nhiều, chưa kể ốc vít có thể bị rơi ra, độ an toàn để bay lại rất khó, chỉ có thể làm triển lãm thôi. Vậy là mấy anh em lại tìm cách sửa chữa", ông nói.
Sau buổi cơm trưa, ông Sủng cùng ông Trần Sỹ Hòa không ngủ mà ra khu vực đỗ máy bay xem xét. Hai người bàn nhau kiểm tra lần nữa, thử khởi động máy thì phát hiện mạch điện bị tắc, lần mò gỡ bó dây điện các loại trong động cơ thì phát hiện một đôi dây có vấn đề. Họ "đánh liều" nối bắc cầu thông qua cầu chì rồi khởi động vài lần, chiếc MIG lại nổ vang rền.
Sau cuộc đại tu nhỏ, chiếc MIG hoạt động bình thường trở lại. Đoàn công tác gọi điện về Việt Nam xin ngừng vận chuyển bằng tàu hỏa và phi công của trung đoàn trực tiếp lái về. Lúc trở về, MIG 4324 còn mang theo 4 quả tên lửa K5 loại hiện đại thời đó và hạ cánh an toàn ở sân bay Yên Bái.
Sau thời gian dài chiến đấu, 4324 được đưa về làm nhiệm vụ huấn luyện tại trung đoàn. Tháng 12/1974, máy bay được đưa từ sân bay Bạch Mai về bảo tàng để trưng bày. Để máy bay thuận lợi đi qua những phố phường Hà Nội, trung đoàn phải tháo rời hai cánh, phần đuôi và động cơ rồi cho lên xe chuyên dụng vận chuyển. Đại đội kỹ thuật 14 của trung đoàn lại nhận nhiệm vụ lắp ráp nguyên trạng để trưng bày. Từ đó đến nay, chiếc 4324 nằm trong bảo tàng, chứng kiến nhiều sự đổi thay của thủ đô hơn 40 năm qua.
Ở sân sau của bảo tàng, cách Hoàng thành Thăng Long một bức tường, chiếc MIG 21 mang số hiệu 5121 nằm cạnh những chiếc máy bay F5, CH 47 của không quân Mỹ. Trải qua mưa nắng, chiếc máy bay từng bắn hạ pháo đài bay B52, góp phần vào thắng lợi quyết định của trận Điện Biên Phủ trên không đã hơi gỉ màu, nhưng số hiệu in trên thân máy bay vẫn còn rõ nét. Chiếc MIG này được công nhận là bảo vật quốc gia đợt đầu vào năm 2012.
Đêm 27/12/1972, chiếc MIG 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích từ sân bay Yên Bái đến vùng trời Sơn La thì phát hiện máy bay B52. Do địch chưa biết có MIG 21 bám đuôi, Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ cho B52, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa hạ siêu pháo đài bay. Sau đó, Phạm Tuân điều khiển chiếc MIG quay về sân bay Yên Bái an toàn. Ngoài bắn cháy B52, chiếc MIG 5121 do hai phi công Vũ Đình Rạng và Đinh Tôn điều khiển còn bắn rơi thêm 4 chiếc máy bay các loại.
Sau thời gian dài tham chiến, 5121 được chuyển làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, diễn tập đến năm 1985 và được điều về Trung đoàn không quân 920, thuộc trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (nay là Trung đoàn 490 – Trường Sĩ quan không quân). Tại đây, chiếc én bạc lại tham gia huấn luyện, đào tạo hàng chục phi công với gần 300 giờ bay, đào tạo nhân viên kỹ thuật, phục vụ tham quan ngoại khóa cho học viên.
Kể về hành trình trở thành bảo vật quốc gia của chiếc MIG 5121, thiếu tá Đào Duy Nam, cán bộ phòng Sưu tầm của bảo tàng cho biết: "Nhờ thông tin từ một bài báo, chúng tôi mới xác định được chiếc MIG từng bắn rơi B52 vẫn còn và đang làm nhiệm vụ huấn luyện trong Nha Trang, từ đó liên hệ làm các thủ tục để đưa máy bay về làm hiện vật trưng bày", thiếu tá Nam nói.
Tháng 10/2007, chiếc MIG 21 được Trường Sỹ quan không quân xử lý an toàn, vận chuyển từ Khánh Hòa về lắp ráp và trưng bày tại bảo tàng. Khi đưa về Hà Nội, máy bay có chiều dài 15,5 m, sải cánh hơn 7 m được tháo rời, vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Để chuyển vào bên trong bảo tàng, chiếc MIG phải "đi nhờ" cổng sau của hoàng thành Thăng Long, rồi được cẩu qua bờ rào và nằm ở vị trí trưng bày như hiện nay.
Trải qua mưa nắng, những con số và lớp sơn trên hai chiếc MIG dần bạc màu. Mỗi lần sơn lại số hiệu máy bay, tổ bảo quản đều phải dán lên một lớp giấy mỏng. Sau khi sơn thì bóc lớp giấy này đi và sơn nguyên màu, kích cỡ, kiểu dáng y như cũ. Việc bảo dưỡng máy bay được tiến hành định kỳ từ 3-5 năm một lần và diễn ra trong nhiều tháng trời. Mỗi bộ phận lại đến từ các đơn vị khác nhau, nhưng chủ yếu là thợ kỹ thuật của Quân chủng phòng không không quân.
Thượng tá Cao Thế Duyên, cán bộ bảo quản của bảo tàng cho biết hai chiếc MIG đều không còn niên hạn sử dụng, không khởi động được, nhưng vẫn được bảo quản nguyên trạng như hồi còn tham chiến đến từng chi tiết, như vết đạn, số seri, màu sơn. "Để máy bay ở ngoài trời thì tốc độ han gỉ sẽ diễn ra nhanh hơn do tác động của thời tiết, nhưng việc làm mái che hay không thì còn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí dành cho công việc bảo tồn hiện vật", thượng tá Duyên cho hay.
Hoàng Phương