Ngày 13/5, hơn 300 người đã đến tham dự buổi tọa đàm chia sẻ thông tin về biển Đông do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức. Con số này đông hơn rất nhiều so với dự kiến nên ban tổ chức phải kê thêm ghế và máy chiếu ở phía ngoài phòng họp để tất cả những người đến dự, trong đó có nhiều bạn bè quốc tế, có thể theo dõi.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược Bộ Công an khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan đặt ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải vấn đề tranh chấp. "Một kẻ đến phá nhà người khác thì sao có thể là tranh chấp được", tướng Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng 1,3 tỷ người Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Nhưng độc lập thì phải giữ. Ảnh: VT. |
Ông cho rằng, nhân dân Việt Nam không mấy khi được yên ổn vì Trung Quốc gây hấn. Cụ thể là cắt cáp tàu Bình Minh, xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Trung Quốc còn ngang nhiên thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa không có giá trị pháp lý gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Hành động xâm lăng về mặt pháp lý là cực kỳ nghiêm trọng. Mọi cuộc xâm lăng vũ lực thì sau đó kẻ xâm lăng sẽ về lại vị trí cũ, còn với xâm lăng pháp lý thì không biết bao giờ mới có thể lấy lại. Chính phủ Việt Nam cần phải ra tuyên bố phủ quyết", nguyên Viện trưởng Chiến lược Bộ Công an nêu quan điểm và cho biết lần này, Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam khiến cho toàn thể nhân dân Việt Nam phẫn nộ. Lần đầu tiên trong ba thập kỷ, cả Chính phủ và người dân Việt Nam đều phản ứng kiên quyết, cộng đồng quốc tế cũng lên án hành động phi pháp của Trung Quốc.
Vị tướng công an phân tích, Trung Quốc đang có 3 hành vi không thể chấp nhận. Đầu tiên là kéo giàn khoan - vi phạm luật pháp quốc tế; hành vi thứ hai là cho tàu đâm vào tàu chấp pháp của Việt Nam - đây là hành vi bạo lực không thể tồn tại trong thế giới văn minh; thứ ba, Trung Quốc lừa dối cả thế giới, vu khống tàu Việt Nam bao vây, gây sự với Trung Quốc nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Ông viện dẫn, ngày 17/2/1979, cách đây đúng 40 năm, 60 vạn quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam xâm lược giữa ban ngày, cả thế giới đều biết. Vậy mà 3.700 tờ báo, phát thanh đều gieo vào người dân Trung Quốc là quân đội Việt Nam vượt biên giới sang Trung Quốc.
"Suốt 35 năm truyền thông trung Quốc vẫn ra rả là người Trung Quốc phản công chống lại Việt Nam khi bị xâm lược", tướng Cương nhận định và dẫn chứng, người Trung Quốc đã tự nhận những điểm xấu này của mình trong tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí”. Đó là chỉ một mực nghĩ cho bản thân mình, coi người khác như không tồn tại.
Đồng ý kiến với Tướng Cương, Luật sư Lê Thanh Sơn (Liên đoàn luật sư Việt Nam) cũng cho rằng Trung Quốc đang đánh tráo khái niệm và lừa dối dư luận. Theo ông Sơn, truyền thông Trung Quốc đã xạo ngôn, lừa dối và đổ lỗi cho Việt Nam. Theo quy định của luật pháp quốc tế, những hòn đảo không phù hợp cho con người sinh sống thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nhưng Trung Quốc lại mưu mô ghép cả những đảo đang chiếm và bãi đá ngầm - nơi mà ngay cả khi nước thủy triều xuống cũng không thể nổi lên và cho rằng đó là quốc đảo.
"Tất nhiên, cái gọi là quốc đảo này không hề có người sinh sống, không đủ tiêu chuẩn để có vùng thềm lục địa. Nhưng Trung Quốc đang đánh tráo khái niệm, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp và tuyên bố chủ quyền. Nếu cứ với cách này, không xa nữa 80% Biển Đông sẽ thành của họ theo tuyên bố. Đây là hành vi xâm chiếm của Trung Quốc", luật sư Sơn phân tích.
Về vấn đề tương quan lực lượng giữa hai bên, tướng Cương khẳng định, trong bang giao và giải quyết tranh chấp quốc tế, nước nào cũng có hai nhân tố tạo nên sức mạnh là vật chất và tinh thần. Trung Quốc có vật chất hơn hẳn Việt Nam, súng đạn, tàu ngầm, máy bay nhiều hơn. Nhưng không phải khi nào vật chất cũng có tính quyết định.
Hàng nghìn năm qua người Việt Nam hòa hiếu và văn minh, chưa bao giờ có mưu đồ với nước khác. Nhưng trước kẻ thù xâm lược lại rất bất khuất, sáng tạo, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn. Như mùa xuân năm 1954, khi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ thì Việt Nam chưa chế tạo nổi súng máy còn Pháp đã có máy bay.
"Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc lần này, Việt Nam có hai thứ mà Trung Quốc không bao giờ có. Đó là pháp lý và đạo lý. Sức mạnh vật chất cộng với đạo lý tạo nên sức mạnh bất khả xâm phạm", ông Cương nói.
Ông cho rằng Trung Quốc mạnh nhưng họ có rất nhiều chỗ yếu, yếu nhất là pháp lý và đạo lý. Việt Nam luôn ghi nhận sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trong lịch sử, nhưng đến lúc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ thì người Việt Nam bằng mọi cách sẽ bảo vệ.
"Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc bởi chỉ những kẻ yếu mới phải kích động. 1,3 tỷ người Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Nhưng độc lập thì phải giữ", nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an khẳng định.
TS Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao cho rằng, Trung Quốc cho việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là hành động bình thường, trong vùng biển Trung Quốc. Tuy nhiên, vị trí này cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách đảo Hải Nam 180 hải lý, cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thế kỷ 12 qua các hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua Nguyễn. Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc 1974. Hơn nữa, Tri Tôn mà họ chiếm giữ trái phép chỉ là cồn cát, không có thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật Biển 1982. Trung Quốc cũng đang vi phạm DOC và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước về cam kết không đe dọa sử dụng vũ lực, sử dụng vũ lực và giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuyên bố sáu điểm 2011 giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc. "Hành động của Trung Quốc những ngày qua đã xóa nhòa mọi thỏa thuận và mọi quy định trong luật pháp quốc tế", bà Lan Anh nói. |
Hoàng Thùy