Ông Kim Yong Deok, Chủ tịch Quỹ lịch sử Đông Bắc Á, cho biết thông tin trên.
- Xin ông cho biết đâu là sự thật quanh những câu chuyện lưu truyền về Hoàng tử Việt Nam Lý Long Tường và dòng họ Lý Hoa Sơn ở Cao Ly?
- Hoàng tử Lý Long Tường lưu lạc đến Cao Ly vào thế kỷ 13 khi nước này đang chống lại giặc ngoại xâm Mông Cổ. Các tài liệu mới phát hiện khẳng định, Hoàng tử Lý Long Tường lập công lớn dẹp giặc Mông Cổ và được Vua Cao Ly phong là Hoa Sơn Quân, tước vị cao trong vương triều.
Vua Cao Ly còn ban đất cho Hoàng tử triều Lý tại Hoa Sơn, từ đó lập nên dòng họ Lý Hoa Sơn. Dòng họ Lý Hoa Sơn luôn hiếu thuận, trung nghĩa với vương triều Cao Ly. Thời Vua Chô Sơn cũng rất trọng dụng con cháu Lý Long Tường. Một người họ Lý Hoa Sơn được phong chức Thị trưởng Seoul, nhưng ông từ chối về quê ở ẩn.
Hiện nay, nhiều người thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn sống ở CHDCND Triều Tiên. Còn tại Hàn Quốc, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường có nhiều người thành danh như ông Lý Thường Tuấn là Chủ tịch tập đoàn Golden Bridge đang làm ăn ở Việt Nam, ông Lee Hee Boem là cựu Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Lee Chang Kem là Chủ tịch tập đoàn lớn kinh doanh ở Việt Nam…
- Các nhà sử học mới phát hiện về một dòng họ Lý khác từ Việt Nam cũng khá nổi tiếng ở Hàn Quốc. Thực hư như thế nào?
- Thực ra, đây chưa hẳn là phát hiện mới vì cách đây hơn 20 năm đã có nhà sử học Hàn Quốc công bố về dòng họ Lý Tinh Thiện của Hoàng tử Việt Nam Lý Dương Côn. Tuy nhiên, tộc phả dòng họ này nửa chừng không được ghi chép nên việc nghiên cứu bị gián đoạn và ít người biết đến.
Giáo sư Phan Huy Lê cho biết, nhiều hậu duệ của Hoàng tử Lý Dương Côn làm quan trong vương triều Cao Ly. Đời thứ hai là Lý Lan làm đến chức Kim tử Quang lộc đại phu Lễ nghi phán thư. Đời thứ ba là Lý Mậu Trinh làm đến chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đặc biệt là hậu duệ đời thứ 6 Lý Nghĩa Mẫn được phong Đại tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sứ… |
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cùng các nhà sử học Hàn Quốc vừa công bố nhiều thông tin mới về dòng họ Lý Tinh Thiện. Hoàng tử Lý Dương Côn lưu lạc và định cư ở vùng Tinh Thiện (Cao Ly) trước Hoàng tử Lý Long Tường khoảng 100 năm. Các tài liệu cho biết nhiều hậu duệ của Hoàng tử Lý Dương Côn làm quan to trong các triều đại ở Hàn Quốc.
- Dưới góc nhìn sử học, theo ông đâu là lý do dẫn tới việc Hàn Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam?
- Tôi thực sự ngỡ ngàng vì chỉ trong thời gian ngắn, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc đã đứng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi suy ngẫm lại thì điều này cũng có cơ sở vì Việt - Hàn vốn tương đồng về văn hóa, con người và trong lịch sử vốn có mối quan hệ gần gũi, tự nhiên, không bị gò ép.
Từ xa xưa đã có nhiều người Việt vượt biển đến Trung Quốc, nhưng lại trôi dạt đến Hàn Quốc và ngược lại. Đây là sự giao lưu rất tự nhiên. Mặt khác, sứ thần rồi đến các trí thức, chí sĩ yêu nước Việt – Hàn từng gặp gỡ, trao đổi tại Nhật Bản, Trung Quốc với cùng chí hướng vận động giải phóng dân tộc…
Chính điều này là động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Việt Nam thuận lợi khi đón nhận làn sóng đầu tư ồ ạt từ Hàn Quốc và ngược lại doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tin tưởng khi rót tiền vào Việt Nam. Nếu không có sự tương đồng, không có tình cảm chân thành thì mối quan hệ giữa hai nước chỉ có thể dừng lại ở việc trao đổi thương mại.
(Theo Tiền Phong)