Như vậy, người dân có thể sẽ phải trả tiền nếu muốn tiếp tục sử dụng làn đường cao tốc của đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam này.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nếu được Thủ tướng đồng ý, thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách xây hệ thống thu phí, nhằm tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể với phương tiện đi trên phần cao tốc của đại lộ Thăng Long. Phương tiện lưu thông trên đường gom không phải đóng phí.
Lãnh đạo Hà Nội lý giải, việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường… Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Đề án thu phí đại lộ này được thành phố Hà Nội xây dựng từ năm 2011, sau khi Chính phủ cho phép. Theo lãnh đạo Hà Nội, trong phương án được duyệt trước khi đầu tư cũng có nội dung cho thu phí để hoàn vốn bởi đây là tuyến đường được đầu tư phần lớn từ ngân sách thành phố, với số tiền gần 5.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tư 197/2012 về quản lý, sử dụng phí đường bộ của Bộ Tài chính lại có nội dung không cho phép thu phí đường bộ với các tuyến được đầu tư bằng tiền ngân sách.
Dẫu vậy, Hà Nội vẫn kiến nghị Thủ tướng được thu bởi thành phố thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm cho hạ tầng, cũng như khó khăn về kinh phí duy tu, quản lý tuyến đường sau khi nhận bàn giao từ bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2013.
Đại lộ Thăng Long dài hơn 29km, có tổng đầu tư 7.527 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.840 tỷ đồng và vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng. Dự án đi vào khai thác từ tháng 10/2010.
Chí Hiếu