Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trẻ có mốc sinh từ 1/1/2011 đến 31/5/2013 sẽ trong diện được tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản lần này. Đợt một vào ngày 22-23/6 sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên. Đợt hai vào ngày 29-30/6, tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các bé còn sót trong đợt 1. Việc tiêm được tiến hành tại các trạm y tế xã, phường trên toàn thành phố.
Ngoài Hà Nội, 62 tỉnh, thành khác cũng sẽ đồng loạt triển khai kế hoạch trên thay vì chỉ tiêm ở khu vực nguy cơ cao như trước đây.
Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước nước ghi nhận gần 260 ca viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản; 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái số mắc giảm tuy nhiên dự báo thời gian tới số mắc có thể tiếp tục gia tăng.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng bắt đầu ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản, đáng chú ý nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, dễ để lại di chứng. Trung bình một năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 400-600 ca viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%.
Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, nguy hiểm ở chỗ có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. Trong trường hợp tốt, các triệu chứng sẽ giảm dần và người bệnh có thể khỏi hẳn.
Thời gian từ tháng 5 đến tháng 8-9 âm lịch (cây quả phát triển, mưa nhiều, nhiệt độ cao, muỗi tăng) là thời điểm phát triển bệnh ở trẻ. Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm.
Nam Phương