Từ sáng sớm, Hà Nội đã tràn ngập nắng, đến 10h ghi nhận tại trạm Láng, trung tâm thủ đô là 35 độ C - ngưỡng nắng nóng. Đến 13h chiều, mức nhiệt tại trạm đo này xấp xỉ 38 độ C, cao hơn hôm qua gần nửa độ và chưa phải là mức nhiệt cao nhất trong ngày.
Chuyên gia khí tượng cho rằng thời điểm nóng nhất thường sau 13h chiều. Như hôm qua trung tâm Hà Nội lúc 13h là 37 độ C, khoảng 2 tiếng sau tăng lên xấp xỉ 39 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng có mái che, cách mặt đất 2 m, nhiệt độ thực tế ngoài trời thường cao hơn 2-3 độ C.
Nắng nóng gay gắt, độ ẩm chỉ 54%, trời lặng gió khiến người dân đi ngoài đường có cảm giác bóng rát. Hầu hết công sở, gia đình phải sử dụng máy lạnh, quạt công suất lớn.
Tại miền Trung, lúc 13h chiều 27/5 ghi nhận hàng loạt điểm vượt ngưỡng 40 độ C, như Tây Hiếu, Con Cuông (Nghệ An). Nóng nhất là huyện miền núi Quỳ Hợp xấp xỉ 41 độ C, chỉ kém nhiệt độ kỷ lục năm 2014 gần 1 độ C.
Nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng kéo dài trên toàn Bắc Bộ, Bắc và Nam Trung Bộ là hoàn lưu vùng áp thấp phía Tây, kết hợp với hiệu ứng gió phơn khô nóng hoạt động mạnh.
Dự báo đợt nắng nóng ở Bắc Bộ kéo dài đến 31/5, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36-38 độ C, một số nơi như Hòa Bình, Hà Nội có thể lên 39 thậm chí xấp xỉ 40 độ C. Đến chiều tối 30/5, khối không khí lạnh nhỏ tăng cường từ phía Bắc tràn xuống, gây mưa giông, nắng nóng vì thế mới chấm dứt.
Tại miền Trung, từ nay đến ngày 30/5 tới tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, với nhiệt độ phổ biến 36-39 độ C, vùng núi phía Tây như Tương Dương, Tây Hiếu, Con Cuông (Nghệ An), hay Hương Khê (Hà Tĩnh) có thể trên 40 độ C.
Từ ngày 31/5 trở đi, Bắc Trung Bộ nhiệt độ sẽ giảm dần, nhưng vẫn còn xuất hiện nắng nóng với mức nhiệt cao 35-38 độ C. Như vậy khả năng đợt nắng nóng này ở miền Trung sẽ còn kéo dài ít nhất trong 5-10 ngày tới và hướng tới đợt nóng kỷ lục 33 ngày của năm 2014.
Xuân Hoa