Chiều 13/2, tại buổi sơ kết công tác điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông Hà Nội cho biết tính đến 10/2, đại đa số đơn vị vận tải trong diện này đã hoàn thiện thủ tục với bến xe. Trong đó, các bến Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình đạt 100% yêu cầu; chỉ còn 5 doanh nghiệp điều chuyển về bến Nước Ngầm chưa vào hoạt động.
Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Hà Huy Quang đánh giá, tính đến thời điểm này có 5/630 nốt tuyến chưa điều chuyển, như vậy là “thành công quá lớn, đạt tỷ lệ hoàn thành trên 99%”.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, 3 bến xe do đơn vị này quản lý (Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) đều thực hiện nghiêm túc việc điều chuyển. Tuy nhiên, tại bến Gia Lâm do lượng xe đông, khách bão hòa nên tần suất hoạt động không cao.
“Nhiều tuyến hoạt động chưa hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã xin dừng hoạt động một tháng”, lãnh đạo Công ty bến xe Hà Nội thông tin.
Tình trạng vắng khách cũng được đại diện bến Yên Nghĩa nêu. Theo đó, một số nốt xe được điều chuyển về đây, khi xuất bến chỉ được 5, 10 khách. Ngoài ra, một số tuyến trùng với bến Mỹ Đình (như đi Sơn La, Điện Biên…) nên có hiện tượng các xe hoạt động tại bến Mỹ Đình trên đường đi bắt khách tại cổng bến Yên Nghĩa, gây mất an ninh trật tự.
Giám đốc bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập khẳng định “trong thời gian tiếp nhận điều chuyển, không xảy ra việc gì đáng tiếc, không có ùn tắc giao thông trong và ngoài bến”.
Ông Lập cho biết, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với bến, một số doanh nghiệp lấy lý do đơn vị quản lý vận tải tại các tỉnh chưa chưa cấp đổi phù hiệu. Thậm chí, một số doanh nghiệp yêu cầu bến phải cung cấp quy hoạch bến xe, sổ đỏ bến xe, diện tích bến xe…
“Người ta gửi yêu cầu nhưng tôi không trả lời vì hai bên không có quy định nào công khai thông tin đó. Hơn thế văn bản họ gửi là văn bản photo”, ông Lập nói.
Cũng theo lãnh đạo bến xe Nước Ngầm, hiện có 3 doanh nghiệp không nộp tiền cho bến, Khi hỏi thì nhà xe trả lời: “Không có khách không nộp tiền”.
Với những doanh nghiệp chưa điều chuyển, ông Quang chỉ đạo cơ quan chức năng có văn bản gửi đến các bên liên quan để đôn đốc. “Nếu doanh nghiệp có ý kiến. Đề nghị thể hiện bằng văn bản và Sở sẽ tiếp tục đối thoại để giải quyết các kiến nghị”, Phó giám đốc Sở giao thông Hà Nội nói.
Từ 2/1, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, về bến xe Nước Ngầm. Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, về bến xe Mỹ Đình. Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, về bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, về bến xe Gia Lâm. |
Võ Hải