Tại xã Ninh Sở (Thường Tín), giông xuất hiện lúc 15h chiều khiến nhiều nhà tốc mái, cây đổ, cột điện gãy. Anh Tĩnh, người dân thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở kể lại, trước cơn giông có một trận mưa nhỏ. Sau khi mưa tạnh, trời đang nắng bỗng xám xịt, gió giật mạnh rồi mưa kéo đến.
Gió giật khoảng 15 phút khiến mái lợp bằng fibro xi măng của nhiều nhà trong xóm bay mất, nhiều biển quảng cáo lớn bị giật tung và thổi bay trên cánh đồng. Trận mưa kéo dài đến hơn 16h thì tạnh.
"Ai nấy ngồi trong nhà nghe gió giật mà hãi, không dám đi ra ngoài. Nếu cơn giông kéo dài trên 30 phút thì nhiều nhà tốc hết mái", anh Tĩnh nói và cho biết sau cơn giông, trời quang mây tạnh.
Bà Thơm người cùng thôn Sở Hạ cho biết, từ sau siêu giông ở Hà Nội tháng 6/2015 thì đây là cơn giông lớn thứ hai bà chứng kiến suốt chục năm qua. Hết mưa, bà ra ngoài đường thấy cây cối đổ, lúa ngoài đồng đến kỳ thu hoạch đổ rạp.
"Ngồi trong nhà nghe gió thổi ào ào, bụi từ mái ngói rơi xuống lộp độp. Mấy hôm nay trời nắng to, cơ quan khí tượng cũng khuyến cáo có giông nhưng người dân vẫn bất ngờ", bà Thơm nói.
Tại xã Vạn Phúc (Thanh Trì), anh Nguyễn Đức Trường cho biết giông gió và mưa to xảy ra vào cùng thời điểm trên.
Người dân xã Hồng Minh (Phú Xuyên) cũng chứng kiến cơn giông kéo dài 30 phút vào hơn 16h. Mưa to, gió giật mạnh nhưng nhà cửa không bị thiệt hại.
Trong khi đó, các quận nội thành Hà Nội trời nắng to, không khí oi bức, nhiệt độ lên đến gần 38 độ C, không có dấu hiệu của giông lốc.
Một năm trước, ngày 13/6 Hà Nội xuất hiện siêu giông với sức gió giật cấp 9-10 làm 2 người chết, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, hơn 1.000 cây đổ. Hàng chục ôtô bị hư hại, nhiều sự cố gây mất điện trên diện rộng.
Phương Hòa