Trong khuôn khổ của buổi hội thảo về bối cảnh mới của quốc tế và sự tác động tới ASEAN diễn ra tại trường ĐH Kinh tế - Luật ngày 14/5, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ với tham vọng muốn làm "bá chủ thế giới". Không dừng lại ở tính chất "đại lục", Trung Quốc đang muốn biến các vùng ven biển và biển của các nước Đông Nam Á thành cửa ngõ của mình.
TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để đảm bảo cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của mình, nước này sẽ có nhu cầu rất lớn về năng lượng, nguyên liệu, lao động... Tuy nhiên, Trung Quốc đã dùng chiến lược bảo toàn nguồn lực quốc gia và gia tăng khai thác, sử dụng các nguồn lực này ở các nước khác, mà trước tiên là các nước gần trong khu vực. Đây chính là những khó khăn cho các nước liền kề "anh lớn" này.
Sự nổi lên mạnh mẽ và ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong khu vực của Trung Quốc sẽ đặt ASEAN vào vị trí yếu thế hơn và dễ bị chi phối trong các mối quan hệ với nước này ở tất cả các lĩnh vực. "Chính vị trí mất cân bằng này có thể khiến tiến trình hội nhập kinh tế của các nước ASEAN bị cuốn theo những động thái, ý đồ của Trung Quốc và trở nên chệch hướng. Điều đó đồng nghĩa với việc ASEAN phục vụ cho sự phát triển của 'anh lớn' này nhiều hơn là đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực", nhà nghiên cứu này nói.
Về việc Trung Quốc gây hấn trên Biền Đông, TS Sơn cho đây là một trong những bước đi của Trung Quốc trong việc "bành trướng" ra khu vực và thế giới. Để thực hiện được chiến lược này, Trung Quốc sẽ tìm cách chống lại việc quốc tế hóa những tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời chia rẽ đoàn kết ASEAN nhằm ngăn chặn sự can thiệp của khu vực này. Để đạt mục đích, Trung Quốc sẽ duy trì cuộc tranh chấp ở mức độ vừa phải để các nước khác, đặc biệt là Mỹ không nhảy vào trực tiếp can thiệp bằng quân sự nhưng cũng vừa đủ gây sức ép với các nước trong khu vực hỗ trợ cho chiến lược của mình.
Theo ông Sơn, để nắm được đằng "chuôi", một mặt Trung Quốc thực hiện các cuộc tranh chấp mở rộng quyền lợi của mình nhưng mặt khác lại sử dụng đòn bẩy về kinh tế bằng các chính sách đầu tư ưu đãi để tạo ảnh hưởng với các nước kém phát triển. "Và Trung Quốc đã thành công trong việc chia rẽ các nước Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 7/2012 khi tổ chức này không đưa ra được thống nhất về vấn đề Biển Đông", ông nhận định.
Đồng quan điểm về sự trỗi dậy của Trung Quốc, TS Phạm Sỹ Thành - giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Kinh tế HN), cho rằng "Trung Quốc đang trỗi dậy như một công xưởng của thế giới" và họ đòi hỏi có một lượng lớn nguồn nguyên liệu, năng lượng thô để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Các nước Đông Nam Á đã đầu tư cho công nghiệp khai khoáng và sản xuất các sản phẩm thô để xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm thu về ngoại tệ. Nhưng chính Trung Quốc sau khi tinh chế, chế tạo lại đưa sản phẩm bán ngược lại cho các nước này và dễ dàng thâu tóm được thị trường ở đây. "Nó khiến cho quá trình công nghiệp hóa của các nước này bị thui chột và không ít nước đã bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước có thâm hụt lớn nhất", ông nói.
Về vấn đề liên quan đến biển Đông, nhà nghiên cứu này cũng cho đây chỉ là một trong những chiến lược của Trung Quốc trong việc vươn ra toàn cầu bằng kinh tế biển mà người ta vẫn gọi là "giấc mộng Trung Hoa". Và Trung Quốc đang làm mọi việc để thực hiện giấc mộng đó.
Nói về tác động của các xích mích giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á liên quan đến Biển Đông, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, ĐH Kinh tế - Luật cho rằng, nó ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, biển Đông được xem là cửa ngõ giao thông của ngành hàng hải và các nước được tự do đi lại giao lưu buôn bán.
Theo bà Trang, nhận thấy tầm quan trọng đó, Trung Quốc đã có tham vọng bành trướng biển Đông mà cụ thể hóa là việc xác định cái gọi là đường lưỡi bò. "Trung Quốc muốn biến vùng nước trong đường lưỡi bò thành vùng nước chủ quyền của mình (khác với việc có quyền đi lại). Lúc này mọi quyền lợi của các nước, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á, đều phải thông qua Trung Quốc, điều này sẽ tác động đến cả vấn đề kinh tế lẫn chính trị", bà Trang nhận định.
Bà Trang cho rằng cần làm rõ những động thái của Trung Quốc là vấn đề đa phương, nếu không Trung Quốc sẽ lần lượt tách từng nước trong ASEAN ra để dễ dàng thực hiện chiến lược của mình. "Các nước ASEAN có thể đấu tranh tập thể với Trung Quốc vì quyền lợi của mình", bà nói.
Nguyễn Loan