Chia sẻ với VnExpress về diện mạo trang trí thủ đô những năm qua, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng nhận định, đang có sự lạm dụng màu sắc. Trong khi các nước phương Tây ít dùng đèn màu trang trí đô thị thì Hà Nội lại được khoác lên chiếc áo lòe loẹt với đủ màu xanh, đỏ... Pano quảng cáo treo khắp các phố cũng rực màu không kém.
"Cách trang trí đó là theo kiểu phú trọc, khoe có nhiều đèn led, bảng điện tử mà thiếu đi hiểu biết thẩm mỹ. Đành rằng nên sử dụng phương tiện hiện đại nhưng phải làm sao cho phù hợp với văn hóa, cảnh quan", TS Liêm nói và dẫn chứng về dàn hoa hồng trang trí trước khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chủ Minh quá rực rỡ, không phù hợp với nơi tôn nghiêm.
Nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc lạm dụng đèn led trong trang trí ở Hà Nội gây ô nhiễm màu sắc, làm đảo lộn tiêu chuẩn về cái đẹp và dung tục hóa thẩm mỹ.
Nhiều năm du học tại Đức, kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng đánh giá cách trang trí diện mạo của Hà Nội những năm gần đây "chắp vá, tùy tiện, xấu về hình, màu sắc quá sặc sỡ, gây phản cảm". "Thủ đô của một nước ngàn năm văn hiến lại ngang nhiên tồn tại kiểu trang trí rẻ tiền, thiếu giá trị thẩm mỹ. Nó na ná thứ trang trí mà tôi đã thấy ở một vài thành phố hẻo lánh vùng Tây Bắc Trung Quốc cách đây vài năm", ông Dũng chia sẻ.
Dàn hoa hồng gắn dọc đường Hùng Vương trước nhà Quốc hội và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được kiến trúc sư đưa ra làm minh chứng cho sự lòe loẹt, quá xấu.
Nguyên nhân của những tồn tại trong trang trí thủ đô nói trên, theo TS Liêm và KTS Dũng, là thành phố "thiếu một cái đầu tổng quan" và người đứng đầu chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác thiết kế, trang trí đô thị. Việc giao khoán cho một đơn vị nào đó (trước là Sở Xây dựng, nay là Sở Văn hóa) mà không có sự giám sát là không đúng, gây lãng phí tiền.
Phó viện trưởng Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS Phạm Thúy Loan thì chỉ ra lý do công tác trang hoàng đô thị ở Hà Nội (cũng như nhiều thành phố khác) không được công chúng đón nhận vì "chưa chuẩn" các nguyên tắc cơ bản và kinh điển về thẩm mỹ, cảm thụ thị giác, chiếu sáng đô thị như: tính thống nhất tổng thể, ý tưởng chủ đạo, tỷ lệ tương quan, hiệu ứng chính - phụ, hòa sắc và độ chói…
Việc trang trí đáng lý chỉ là bổ khuyết, nhấn nhá, chứ không lấn át, che khuất các khung cảnh thực của thành phố, đặc biệt ở những nơi cảnh đã rất đẹp, in đậm trong tâm khảm cộng đồng. Cách sử dụng "đồ giả" thống trị không gian đô thị trong trang trí; trang hoàng hỗn loạn không có chọn lọc tuyến phố chính - phụ... cũng là điều gây mệt mỏi, khó chịu cho người dân khi nhìn vào.
Các chuyên gia đề xuất, cần có nhận thức và đầu tư đúng tầm hơn cho công tác thiết kế, trang trí thủ đô. Công tác này, theo KTS Lý Trực Dũng, nên do một ủy ban độc lập gồm cả: kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, giao thông, chiếu sáng, đại diện cơ quan bảo tồn bảo tàng… đảm nhiệm. "Một bộ máy như thế mới đủ năng lực tư vấn cho UBND Hà Nội chỉ đạo thực hiện. Tại các thành phố lớn ở Đức, Áo... đều có ủy ban thiết kế trang trí đô thị và Hà Nội cần học tập", ông Dũng nói.
Trước đó, đầu năm 2016 Hà Nội cho lắp đặt một số công trình trang trí như đài hoa quanh đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đèn hoa ở một số tuyến phố chính... và gặp nhiều phản ứng trái chiều.
Ngày 19/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, đơn vị thực thi công tác trang hoàng thủ đô đã thừa nhận một số mẫu trang trí "có phần chưa chặt chẽ". Nguyên nhân là chưa thi tuyển, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Lãnh đạo Sở chia sẻ, đã xác định từ trước khi mang ra phục vụ người dân sẽ phải điều chỉnh nên sẽ chủ động và vui vẻ sửa sai đến khi người dân hài lòng mới thôi. Ông Động, cũng thừa nhận đơn vị mình có trách nhiệm trong định hướng thẩm mỹ nhưng ngành còn lúng túng. “Tôi là Giám đốc thấy đẹp nhưng Phó giám đốc có thể thấy chưa đẹp”, ông Động nói.
Hiện một số trang trí như đài hoa ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dàn hồng trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tháo dỡ.
Quỳnh Trang