Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các ban ngành liên quan về Dự thảo Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Theo đó, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ và được cấp giấy chứng nhận, dán tem kiểm định mới được phép tham gia giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và kiểm định lại.
Đề án đưa ra chu kỳ kiểm định là 2 năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống một năm/lần tại các đại lý ủy quyền của nhà sản xuất xe máy và các cơ sở đăng kiểm. Trong đó, đại lý ủy quyền của các hãng xe được xác định là lực lượng chính và có trách nhiệm thực hiện kiểm định xe máy.
Cơ quan soạn thảo đề án là Cục Đăng kiểm cũng kiến nghị Bộ Tài chính ban hành mức thu phí trực tiếp với người đưa xe đến kiểm định từ 100.000 đến 150.000 đồng/xe cho mỗi lần. Ngoài ra, cơ quan này kiến nghị nghiên cứu hỗ trợ kiểm soát khí thải xe máy từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác. Theo đó có thể đưa ra cơ chế để người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như kinh nghiệm của Đài Loan.
Cơ quan này đề xuất áp dụng kiểm soát khí thải trước tiên tại Đà Nẵng. Cụ thể từ 1/7/2018, kiểm định xe máy niên hạn trên 10 năm; từ 1/7/2019 áp dụng với xe trên 5 năm. Tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải được thực hiện theo lộ trình, từ ngày 1/7/2020 đối với xe trên 10 năm; từ 1/7/2021 với xe trên 7 năm; từ 1/7/2022 với xe trên 5 năm sử dụng.
Theo đánh giá của Cục đăng kiểm Việt Nam, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng. Đến hết năm 2014, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ đã có 13.427.062 xe máy đăng ký hoạt động, chiếm gần 30% tổng số xe máy cả nước.
Từ tháng 6/2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 triển khai tại Hà Nội và TP HCM, giai đoạn 2013-2015 triển khai tại các thành phố loại 1, loại 2.
Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa triển khai được vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức khác nhau; chưa có căn cứ pháp lý đủ mạnh và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.
Đoàn Loan