Chiều 19/12, Sở Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thống nhất về phương thức hoạt động dự án xe buýt nhanh (BRT). Theo đó, dự án sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2017. Tháng đầu tiên, nhà xe sẽ phục vụ miễn phí.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông Hà Nội) cho biết, xe buýt nhanh (BRT) được ưu tiên hơn buýt thường như giảm xung đột tại những nút giao thông, có làn chạy ưu tiên gần như toàn tuyến, không phải ra vào điểm đón trả khách nhiều lần... do vậy sẽ đảm bảo được tốc độ tính toán gần 20 km/h, thời gian vận hành 45 phút/chuyến. "Thời gian vận hành buýt nhanh sẽ nhanh hơn đáng kể, hơn 5-10 phút so với buýt thường", ông Hải nói.
Về chất lượng phục vụ, ông Hải cho hay, BRT đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, có cơ chế điều chỉnh sàn cao thấp, camera giám sát, ghế ngồi mềm, khu dành riêng người khuyết tật và nhiều thuận lợi cho cả người vận hành. Nhà chờ BRT thoáng đãng, có dịch vụ tra cứu thông tin, ăn nhanh, văn phòng phẩm.
Theo ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư giao thông đô thị, BRT có làn đường ưu tiên được phân định bằng vạch sơn, có biển cảnh báo nên nếu các phương tiện khác đi vào đường ưu tiên là vi phạm. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, việc phân làn được thực hiện linh hoạt. Người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào trong tình huống cần thiết.
Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cho biết, đây là dự án BRT đầu tiên của Việt Nam nên vừa làm vừa xây dựng hành lang kỹ thuật, điều chỉnh theo quy hoạch dẫn tới tiến độ chậm. “Dù chậm nhưng các phần việc đều được triển khai theo đúng dự toán nên dự án không vượt quá tổng mức đầu tư được duyệt”, ông Viện khẳng định.
Trả lời câu hỏi về tính hiệu quả của dự án, lãnh đạo Sở Giao thông cho biết việc triển khai loại hình BRT “trên tuyến này hiệu quả”. Vì tuyến này rất đông đúc, thường xuyên ùn tắc. Để giải quyết tình trạng giao thông cá nhân chúng ta phải thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng. Tương lai lượng phương tiện giao thông cá nhân trên tuyến sẽ chắc chắn giảm đi.
Theo kế hoạch, xe buýt nhanh có thời gian phục vụ từ 5h đến 22h, tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt với tổng 358 lượt xe, ngày Chủ nhật 264 lượt. Giá vé sau thời gian miễn phí là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường.
Từ nay đến khi tuyến BRT chính thức hoạt động, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng Công an thành phố tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế giao thông để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao thông và vận hành cho phù hợp tình hình thực tế, hạn chế ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực.
Trước đó, Sở Giao thông Hà Nội đã vận hành thử một số xe buýt để căn chỉnh nhịp độ và những thiết bị kết nối. Từ nay đến 31/12, việc chạy thử nghiệm và điều chỉnh các hạng mục sẽ hoàn thiện.
Để tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động, Hà Nội lên phương án phân luồng, cấm xe máy trên cầu vượt Láng Hạ, Lê Văn Lương vào giờ cao điểm, cấm taxi và xe tải từ 500kg và xe khách các tuyến từ Vành đai 3 vào nội thành khung giờ cao điểm.
Video: Sở Giao thông giải thích về ưu điểm và tiến độ của tuyến buýt nhanh
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. |
Võ Hải
Video: Trần Quang