Giải thích nguyên nhân tuyến buýt nhanh (BRT) chậm tiến độ kéo dài, ông Vũ Hà, giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị - Sở Giao thông Vận tải, cho rằng việc thi công chồng chéo với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến mặt đường chật hẹp, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn thiết kế, hành lang... đều phải tham khảo nước ngoài dẫn đến kéo dài thời gian.
Việc chậm tiến độ khiến nhiều hạng mục xây dựng xong như nhà chờ bị bỏ hoang, xuống cấp, hoen gỉ, thậm chí một số nhà chờ nhô ra đường, bị phương tiện va quệt làm hư hỏng. Khắc phục việc này, ông Vũ Hà cho hay "đơn vị đã lắp đặt biển cảnh báo chiều cao, đồng thời đề xuất lắp hệ thống phân làn, cảnh báo từ xa".
Với các nhà chờ bị xe va gây hỏng mái, Ban đã yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu khắc phục trước ngày 15/5/2016.
Theo ghi nhận của VnExpress, đến nay, hợp phần xe buýt BRT đã thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối Yên Nghĩa; hoàn thành 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; cơ bản xong các hạng mục chính của 21/21 nhà chờ.
Một số hạng mục đang được hoàn thiện là mở rộng đường từ Ba La đến Bến xe Yên Nghĩa; xây 4 cầu đi bộ tại các nhà chờ, thiết bị thẻ vé...
Dự kiến, tuyến buýt sẽ chạy thử vào quý 3 và vận hành chính thức vào 31/12 năm nay.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu sẽ khai thác vào quý 2/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. |
Bá Đô