Khoảng 16h ngày 14/8, gần 10 tài xế lại dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm thu phí Cai Lậy. Để tránh kẹt xe, hôm nay trạm đã cử thêm nhân viên bảo vệ và công an xã. Tuy nhiên, do là giờ cao điểm, việc các tài xế trả tiền lẻ khiến xe cộ bị ùn ứ hướng từ TP HCM về Vĩnh Long khoảng 30 phút.
Khoảng nửa tiếng sau, trạm thu phí đã phải mở 3 làn đường ở hướng này để hạn chế ùn ứ. Tuy nhiên, lúc này một số tài xế đi hướng ngược lại thắc mắc vì sao trạm không xả hết các làn, xuống xe cự cãi với nhân viên thu phí.
"Chúng tôi cũng đóng thuế nhà nước, nếu xả trạm thì phải xả đồng loạt chứ sao lại làn xả làn thu", tài xế Nguyễn Hữu Vinh bức xúc.
Một số tài xế đã lỡ mua vé cũng xuống xe đòi hoàn tiền, đồng thời yêu cầu các người chạy sau không đóng phí để phản đối khiến khu vực trạm thu phí trở nên lộn xộn. Lo sợ các tài xế mất bình tĩnh, các nhân viên thu phí "cố thủ" trong cabin.
Đến gần 17h, trạm buộc phải xả hết các làn, cho nhân viên thu phí vào nghỉ, chỉ còn nhân viên điều tiết ở lại.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỷ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỷ đồng.
Trong hơn tuần hoạt động, các tài xế liên tục dùng tiền lẻ vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lý giải, phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để "dặm vá ổ gà". Còn dự án tăng cường mặt đường trên quốc lộ do đơn vị thực hiện, bốc dỡ toàn bộ mặt đường để thảm lại nên chi phí cao hơn. Mức phí ở trạm thu cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm.
Làm việc với Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang sáng nay, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận những bức xúc của dư luận để giải quyết có tình, có lý. Ông cho biết kiến nghị giảm giá vé của tỉnh Tiền Giang có thể được giải quyết, xử lý trong tháng 9.
Hoàng Nam