Tại cuộc họp giao ban dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sáng 7/7, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông), cho biết Tổng thầu Trung Quốc chưa hoàn thiện tiến độ các hạng mục mà Bộ Giao thông đưa ra dù Ban này đã có nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc và phê bình bằng văn bản. Thậm chí, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã yêu cầu Tổng thầu EPC phải trình tiến độ tổng thể, nếu không hoàn thành sẽ đề nghị thay thế Giám đốc dự án của Tổng thầu.
Ông Lê Kim Thành cho biết, Tổng thầu EPC không có vốn lưu động mà phụ thuộc vào thanh toán khối lượng của chủ đầu tư nên không trả tiền cho các nhà thầu phụ. Nợ đọng tăng tới ngày 6/7 là khoảng 367 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đã nhận được văn bản của nhà thầu phụ đề nghị cho vay tiền, mới có thể tiếp tục thi công.
“Đề nghị Bộ Giao thông thay thế giám đốc dự án của Tổng thầu nếu tiếp tục để tiến độ thi công bị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đề ra”, ông Lê Kim Thành bày tỏ.
Tại cuộc họp, ông Yu Jiang, Giám đốc điều hành Dự án (thuộc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu EPC) thừa nhận nhiều hạng mục dự án không đạt yêu cầu so với cam kết và yêu cầu thêm thời gian thi công.
Theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường, tình trạng chậm tiến độ của hàng loạt hạng mục đang thi công bao gồm 12 nhà ga, lao lắp dầm đường sắt chậm, khu depot, chậm thanh quyết toán cho nhà thầu phụ nên nợ đọng ngày càng tăng lên.
Thứ trưởng cũng cho rằng, dự án đã gia hạn nhiều lần song đến nay vẫn chậm 3-4 tháng. Ông yêu cầu ông Zhou Huang Wu, Phó tổng giám đốc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải ở lại Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo điều hành dự án, có giải pháp mạnh hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Đối với việc tăng tổng mức đầu tư dự án 250,6 triệu USD vốn tín dụng Trung Quốc, Thứ trưởng Trường yêu cầu Tổng thầu EPC phải báo cáo chi tiết tăng ở những hạng mục nào.
"Tôi không đồng ý các làm việc này. Tổng thầu nói không có tiền là không được, các ông phải bơm tiền để làm dự án. Cuộc họp sau không chấp nhận nói đến chậm tiến độ nữa, nếu nhà thầu phụ làm chậm thì Tổng thầu phải thay thế", Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng Trường yêu cầu, 10 nhà ga đến ngày 31/12 phải hoàn thành, trừ nhà ga Cát Linh và vành đai 3. Ngày 15/10, phía Trung Quốc phải đưa đoàn tàu mẫu về Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của người dân, ngày 30/4/2016 đưa 12 đoàn tàu về Việt Nam. Chậm nhất đến 30/3/2016 toàn dự án phải hoàn thành và đến 30/6/2016 thì đưa tàu điện vào khai thác chính thức.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC) được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai nước.
Tuyến đường sắt đi trên cao dài 13 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Đoàn Loan