Sáng 8/9, trong căn nhà nhỏ ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), nhiều người đến khen ngợi anh Phan Văn Bắc (30 tuổi) - tài xế dùng xe tải cứu ôtô khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc. "Mọi người ai cũng nói tôi là 'người hùng', nhưng tôi nghĩ đây là việc mà hầu hết các lái xe đều phải ra tay tương trợ khi gặp tình huống tương tự", anh Bắc chia sẻ.
Liên tục nhoẻn miệng cười, anh Bắc cho biết trong 10 năm hành nghề lái xe đây là lần đầu tiên anh chứng kiến hàng chục hành khách cầu cứu khi xe mất phanh. "Thường xuyên lên xuống đèo Bảo Lộc nên tôi biết sự nguy hiểm của cung đèo này. Chỉ lái xe thuê nhưng tôi nghĩ phải cứu họ nên đã ra hiệu cho tài xế dựa vào đuôi xe mình", anh nói.
Theo tài xế Bắc, sau khi nghe nhiều tiếng la hét, nhìn qua kính chiếu hậu, anh phát hiện xe sau lao tốc độ nhanh, nhiều người nhoài ra cửa sổ vẫy tay như ra hiệu cầu cứu. "Theo kinh nghiệm đổ đèo, xe hơn 40 chỗ mà lao nhanh như thế chỉ có thể mất phanh", anh nói.
Hỏi nhanh ý chủ hàng ngồi bên cạnh, anh quyết định đưa đuôi xe tải "đỡ" đầu ôtô khách, hãm tốc. Do xe chở đầy nông sản nên rất đằm, không bị chao đảo nhiều sau cú đâm mạnh của xe khách. Trên đoạn đường dìu đi, nhiều lúc xe bị ôtô 42 chỗ đẩy mạnh, muốn bung ra, nhưng anh vẫn cố rà phanh để xe khách bám vào. "Khi hai xe dừng lại an toàn, tay chân tôi cứ run bần bật vì sợ hãi. Giờ nghĩ lại cảnh tượng đó tôi vẫn còn run", anh cho biết.
Anh cho rằng việc lai dắt được xe khách xuống đèo an toàn là nhờ vào việc phối hợp ăn ý giữa anh và tài xế còn lại, dù hai người không liên lạc nhau được. Nhưng yếu tố quan trọng là trên quãng đường 500 m không có xe đi ngược chiều. "Đó là may mắn lớn nhất. Bởi nếu có xe lên đèo, chúng tôi sẽ khó xử lý an toàn được khi đường hẹp", anh khẳng định.
>> Video: Tài xế Bắc kể lúc dùng xe tải cứu ôtô mất phanh khi đổ đèo:
Còn tài xế ôtô khách Phan Duy Toàn (41 tuổi) cho biết, khi phát hiện xe mất phanh, anh đã báo cho 30 hành khách trên xe bình tĩnh. Nhưng vì xe lao với tốc độ quá nhanh nên nhiều người hoảng loạn, ôm nhau la hét. Khi nhận được tín hiệu trợ giúp của tài xế xe tải phía trước cũng là lúc xe anh đang lao trên một đoạn đèo thẳng.
Tận dụng đoạn đường thẳng, anh đánh lái cho bên phụ xe tông vào đuôi xe tải. "Cú tông mạnh khiến tôi bị đẩy văng ra sau, nhưng tôi vẫn bám chặt vôlăng. Nhiều hành khách nháo nhào vì sợ hãi, tôi đã cố động viên họ an tâm. Ai cũng nín thở, giữ bình tĩnh khi ôtô đang bám vào xe tải phía trước, lao đi", anh kể.
Theo anh Toàn, vì ôtô không thể tắt máy nên anh cố bẻ lái bám vào đuôi xe tải để xe tự trôi. Qua nhiều đoạn cua, ôtô như muốn bung khỏi xe tải, nhưng nhờ tài xế phía trước rà phanh kịp. "Khi tới chân đèo, được xe tải dìu vào bãi đất trống dừng lại, tôi và các hành khách trên xe mới thở phào nhẹ nhõm, biết mình đã thoát chết trong gang tấc", anh nói.
Cả hai xe bị hư hỏng nhưng hầu hết đều an toàn, chỉ một người đàn ông bị thương nhẹ ở chân. Hành khach ôm chầm lấy anh Bắc, rối rít cảm ơn. Nhiều người xúm vào hỗ trợ tài xế xe tải bốc dỡ nông sản sang xe khác để tiếp tục vận chuyển về TP HCM, kịp giờ giao hàng.
Trung tá Vũ Xuân Quang, Trạm trưởng Cảnh sát giao thông Madagui, cho biết vết phanh ghi nhận trên đèo dài khoảng 470 m. "Vết phanh của xe anh Bắc rất dài, cho thấy anh không phanh gấp mà vừa đủ để xe khách nương theo và giảm tốc đến khi dừng hẳn. Trong tình huống khẩn cấp như thế, cách xử lý của anh Bắc không thể tốt hơn", trung tá Quang cho biết.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đạ Huoai đã trao bằng khen, giấy khen và tiền thưởng biểu dương anh Bắc. "Tôi thật sự rất vui mừng và cảm kích hành động dũng cảm của anh Bắc. Nếu không có hành động dũng cảm, quyết đoán của anh, có thể tai nạn thảm khốc đã xảy ra", ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cảm kích.
Ngoài ra, anh Bắc cũng nhận cúp Vô lăng vàng 2016 từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và thư khen của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa. Bộ trưởng Nghĩa đề nghị Thủ tướng tặng bằng khen cho lái xe này. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tài xế này sửa chữa chiếc xe tải bị hư hỏng.
Hoài Thanh