Những ngày qua, câu chuyện về nhóm nữ sinh đi ngược chiều tại ngã tư đường Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bị cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, yêu cầu chép lời hứa không tái phạm trên giấy, sau đó được ra về, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Trao đổi với VnExpress chiều 4/4, thiếu úy Huỳnh Phước Chiến, Đội Cảnh sát giao thông quận Ngũ Hành Sơn, cho biết sự việc xảy ra ngày 1/4 tại chốt đèn tín hiệu đầu cầu Tuyên Sơn trên đường Hồ Xuân Hương. Khi phát hiện nhóm thanh niên đi vào đường cấm, cảnh sát Chiến ra hiệu lệnh dừng xe rồi thông báo lỗi.
Những người vi phạm trình bày là sinh viên đang đi chợ, chưa quen đường. Sau khi nhắc nhở, thấy những sinh viên này mang theo giấy bút nên anh Chiến nảy ra ý tưởng cho người vi phạm chép lời hứa, thay vì phạt mỗi người 300.000 đồng. Một nam sinh mang đầy đủ giấy tờ chép 17 lần, còn 3 nữ sinh không mang theo bằng lái, giấy tờ xe chép từ 20 đến 30 lần.
"Đó là ý tưởng thoáng qua. Tôi muốn nhắc nhở những người vi phạm bằng việc họ tự hứa, chép lại nhiều lần thì sẽ nhớ lâu hơn và không tái phạm nữa", thiếu úy Chiến nói và cho hay mục đích cuối cùng là giúp người điều khiển phương tiện ý thức hơn nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
5 năm làm cảnh sát giao thông tại quận Ngũ Hành Sơn, thiếu úy Chiến kể đã nhiều lần nhắc nhở người vượt đèn đỏ, thay vì lập biên bản xử phạt. "Khi bị dừng xe, họ trình bày đang vội đi đón con, hay hoàn cảnh khó khăn không có tiền nộp phạt. Tôi yêu cầu họ dắt xe lên vỉa hè, đứng đó 15 phút để nhìn hàng trăm người khác cùng tham gia giao thông như mình, cùng có công việc bận hay nhiều lý do khác, nhưng vẫn kiên nhẫn, chấp hành đúng luật. Sau đó tôi nhắc nhở và cho những người vi phạm ra về", anh Chiến nói.
Trung tá Trần Việt Hòa, Đội trưởng Cảnh sát giao thông quận Ngũ Hành Sơn, cho biết việc làm của thiếu úy Chiến chỉ để nhắc nhở người dân chấp hành luật. Luật xử lý vi phạm hành chính quy định ai vi phạm luật giao thông thì lập biên bản, phạt tiền hoặc cảnh cáo. Tuy nhiên, lãnh đạo Công an Đà Nẵng đã có chủ trương là làm thế nào để người vi phạm biết được lỗi.
"Ở đây thiếu úy Chiến đã áp dụng hình thức cảnh cáo, nhưng sáng tạo hơn là cho chép lời hứa không tái phạm. Việc làm này không sai. Nếu phạt tiền thì chưa chắc đã có tác dụng, vì người vi phạm không cố ý", trung tá Hòa nói.
"Chúng tôi theo dõi Facebook của nữ sinh vi phạm, biết họ đã chia sẻ câu chuyện của mình, cảm nhận được việc xử lý của cảnh sát giao thông hợp tình, hợp lý, tâm phục khẩu phục thì rõ ràng là hiệu quả. Còn nếu họ phản hồi rằng phạt nhẹ như thế sẽ tiếp tục vi phạm thì đã phản tác dụng", trung tá Hòa nói và đánh giá, cách làm của thiếu úy Chiến rất sáng tạo nhưng không thể áp dụng cho người lao động phổ thông, hay các cụ già.
Đội trưởng Cảnh sát giao thông quận Ngũ Hành Sơn cho hay, Đà Nẵng lâu nay có nhiều cách làm để nhắc nhở người vi phạm luật giao thông, như những người ở ngoại tỉnh đi du lịch nhưng lái xe vào đường ngược chiều chỉ bị nhắc nhở, hay lấn vạch bị phạt đi mua kẹo cao su ủng hộ cụ bà bán hàng rong... Cảnh sát có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn cho những người đến Đà Nẵng chưa quen với đường, biển báo nên vô tình vi phạm luật.
"Chúng tôi không có bất kỳ kịch bản nào cho những cách xử phạt này, mà tùy vào từng trường hợp để xử lý", trung tá Hòa nói và khẳng định cảnh sát có đủ kinh nghiệm để xác định người vi phạm luật là vô tình hay cố ý. Với trường hợp đã nắm rõ luật mà vẫn vi phạm thì kiên quyết xử phạt.
Nguyễn Đông