Ngày 22/7, đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - dẫn đầu đã đến làm việc với tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai dự án sân bay Phan Thiết.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn cùng đoàn đã đến khảo sát thực tế khu đất nằm trong dự án xây dựng sân bay Phan Thiết ở xã Thiện Nghiệp. Dự án có tổng diện tích 542 hecta, trong đó: Khu quân sự 150 hecta; Khu dân dụng 144,6 hecta; Khu dùng chung 247,4 hecta. Mặc dù đã khởi công từ đầu năm 2015, nhưng đến nay dự án vẫn còn trong giai đoạn đền bù giải tỏa.
Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết trong tổng diện tích đất phải thu hồi, đến nay đã giải tỏa được gần 387 hecta. 155 hecta còn lại đang được tỉnh tích cực triển khai. "Tỉnh Bình Thuận cam kết sẽ hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng trước ngày 15/8", ông Hai nói.
Hiện, các bên đã tập trung bàn bạc việc nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E so với thiết kế ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Thuận. Theo Công ty Tư vấn thiết kế ADCC – đơn vị thiết kế sân bay này, để nâng cấp lên 4E thì tổng mức đầu tư xây dựng phải tăng thêm 160 tỷ đồng. Do đó, cần xác định rõ, nguồn kinh phí phát sinh này.
Đến nay, đối với hạng mục hàng không dân dụng (hợp đồng BOT), UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết thỏa thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần Rạng Đông. Hạng mục hàng không dân dụng sẽ triển khai thi công trong tháng 9 tới.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn hy vọng trong tháng 7 này, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Tổng Công ty 319 là chủ đầu tư liên danh Bộ Quốc phòng. Chậm nhất đến tháng 10, các bên liên quan có thể triển khai thi công đồng thời hạng mục quân sự và dân sự. Nếu đúng tiến độ, sân bay Phan Thiết có thể khai thác, đưa vào sử dụng trong khoảng 2018-2019.
Trước đó, quy hoạch sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ cuối năm 2013. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 5.600 tỷ đồng.
Tư Huynh