18h ngày cuối năm, bến xe Miền Đông bao trùm không khí đìu hiu, đối lập hẳn với cảnh chen chúc nhau đón xe về quê ăn Tết vài ngày trước đó. Các quầy bán vé chỉ còn lác đác người mua vé đi các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng… Trên các băng ghế chờ cũng chỉ còn vài người ngồi đợi xe xuất bến. Một vài phụ xe của các chuyến đường dài hơn như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Huế… vẫn kiên nhẫn ngồi chờ thêm vài hành khách để chạy chuyến cuối cùng.
Thỉnh thoảng, vài người chạy vội vàng đến quầy bán vé để kịp bắt những chuyến xe cuối cùng trở về sum họp với gia đình. Nhân viên bán vé không quên kèm theo lời chúc mừng năm mới vì chỉ còn vài giờ nữa là đã đến giao thừa. Mỗi khi thấy bóng hành khách nào tiến vội đến, các phụ xe đều gọi với: "Về đâu chị ơi? Quảng Ngãi không? Xe sắp đủ chỗ rồi", giữa không khí đìu hiu của chiều cuối năm.
Lân la mời chào, Minh, phụ xe tuyến Quảng Ngãi cho biết, đây là thời điểm cánh xe đường dài "hốt cú chót". Hành khách cũng muốn kịp xe để về đón Tết, nhà xe cũng muốn đủ khách để chạy chuyến cuối nên phải cố gắng đợi.
“Dù trễ rồi nhưng vẫn phải ngồi chờ đến chiều tối mới có đủ khách để chạy chuyến cuối cùng trước khi nghỉ Tết”, Minh nói.
Ăn vội ổ bánh mì trước khi lên xe, vợ chồng anh Lê Minh Tâm quê Nghệ An cho hay, dù công việc thợ hồ đã xong cách nay hơn một tuần nhưng anh ráng ở lại kiếm việc làm thêm vì những ngày giáp tết được trả công khá cao.
“Gần Tết nhiều việc làm thêm lắm, tôi xin phụ giữ xe ở gần chợ, 10 ngày cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, có thêm tiền mua áo quần cho con”, anh Tâm cười.
Chị Hiền vợ anh Tâm cho biết, hai vợ chồng cưới nhau được 5 năm đã có một cháu trai ở quê nhưng vì cuộc sống đành phải gửi con cho bà nội giữ để khăn gói vào Sài Gòn kiếm tiền. “Năm nào vợ chồng cũng tranh thủ kiếm việc làm thêm, để có thêm chút tiền mua quà cho con và bà nội”, chị Hiền đỡ lời chồng.
Cũng đang ngồi chờ xe xuất bến vì chưa đủ khách, Hằng (quê Khánh Hòa) - sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, thi xong được nghỉ Tết sớm nhưng cô ở lại kiếm việc làm thêm. “Bình thường phải xin thêm tiền nhà để đóng tiền trọ, tiền học nên tranh thủ thời gian rảnh em làm thêm kiếm tiền mua quà cho bố mẹ”, Hằng chia sẻ.
Cầm 2 tấm vé đi Hà Tĩnh, vợ chồng anh Lý vội vã vào khu vực xe đỗ. Anh Lý cho biết do làm nghề hớt tóc, những ngày cuối năm rất đông khách nên ráng ở lại làm, vợ làm công nhân ở khu chế xuất dù được nghỉ sớm hơn nhưng cũng ở lại phụ chồng để cùng về.
“Tôi thuê một mặt bằng nhỏ ở quận 4 mở tiệm hớt tóc được 2 năm rồi. Bình thường thì trừ tiền thuê ra, mỗi tháng cũng dư được vài triệu, đủ sống qua ngày và để dành một ít gửi về quê. Hai vợ chồng cũng muốn về quê sớm để đón giao thừa với gia đình nhưng cuối năm khách đông hơn nên ráng ở lại kiếm thêm, chứ một năm được mấy ngày này mà về thì uổng quá”, anh Lý tâm sự.
Đại diện bến xe Miền Đông cho hay, ngày 27, 28 và 29 là 3 ngày cao điểm hành khách về quê, mỗi ngày có khoảng 50.000 người qua bến. Vì bến xe có nhiều tuyến đường dài Bắc - Nam nên đến ngày 30 thì chỉ còn những người bận công việc hoặc chưa mua được vé đến bến.
Tương tự, tại bến xe Miền Tây chiều 30 Tết hành khách cũng thưa thớt hẳn so với mấy ngày trước. Theo lãnh đạo bến, trong các ngày cao điểm 28-29 tháng Chạp mỗi ngày có khoảng 50.000 - 53.000 lượt khách qua bến nhưng sau đó giảm dần. Đến chiều 30 Tết, chỉ còn lác đác vài người ngồi chờ những chuyến xe cuối.
Đường phố đã lên đèn, những giây phút cuối cùng của năm cũ trôi dần, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài hành khách trên tay xách theo hành lý cùng quà Tết hối hả đến bến cho kịp chuyến xe cuối năm với hy vọng kịp đoàn tụ với người thân trong thời khắc giao thừa.
Hữu Nguyên