Chiều 4/9, ngành đường sắt đã cẩu thành công đầu máy của đoàn tàu SE3 lên ray để đưa về Hà Nội sửa chữa. Nhà chức trách huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cũng niêm phong hộp đen đầu máy để giám định tốc độ đoàn tàu thời điểm xảy ra va chạm với máy xúc qua đường ngang dân sinh, khiến đầu máy và hai toa xe bị lật.
Đại tá Nguyễn Văn Hoành, Trưởng công an huyện Bố Trạch cho hay đơn vị chờ giám định hộp đen và thiệt hại ghi nhận từ ngành đường sắt để có hướng điều tra tiếp theo.
“Ban đầu có thể thấy vụ tai nạn gây ra thiệt hại lớn về tài sản. Do đó, chúng tôi sẽ xem xét khả năng có biện pháp ngăn chặn với tài xế lái máy xúc”, ông Hoành nói và cho hay qua kiểm tra chiếc xe và người lái đều có đủ giấy tờ hợp pháp.
Ông Trần Cương, chủ máy xúc cho hay vừa mua phương tiện khoảng 2 tuần, thuê Trần Bích Sơn (37 tuổi) điều khiển. Sáng 3/9, một người thuê chiếc máy phá các thanh tà vẹt đường sắt cũ, nằm ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch.
Ông Cương nói lái chiếc xe tải qua đường ngang trước, rồi đậu chờ trong sân nhà một người dân gần nơi xảy ra tai nạn. Ông đi bộ trở lại nhằm quan sát đường ngang cho anh Sơn lái máy xúc qua thì thấy tàu hoả đang băng đến. Tuy nhiên, lúc này máy xúc đã ra đến giữa đường ray.
Ông Cương cho hay đã chạy vội lại cảnh báo để đoàn tàu giảm tốc độ nhưng không kịp. Đoàn tàu SE3 tông vào phần đuôi máy xúc, kéo đi khoảng 20 m.
“Sơn hoảng loạn, không kịp điều khiển nên xảy ra tai nạn. Đúng ra anh Sơn dừng máy, đi đến quan sát đường ngang rồi mới cho máy chạy qua”, ông Cương nói.
Đoạn đường ngang nơi xảy ra tai nạn trải bê tông, rộng khoảng 3 mét, tầm nhìn rộng, thoáng, có cắm biển cảnh báo "Chú ý tàu hoả".
Vụ tai nạn khiến đầu tàu lật khỏi đường ray, hai toa sau nghiêng 45 độ, trật khỏi ray. Khoảng 70 mét ray bị hư hỏng, xô đẩy. Sau hơn 13 tiếng, với nỗ lực của 300 nhân công khắc phục sự cố, ngành đường sắt thông tuyến vào tối cùng ngày.