Do có hành vi xô xát với nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), ông Đào Vịnh Thuấn bị cấm bay trong 6 tháng, ông Trần Dương Tùng cấm trong 12 tháng.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc hành khách hành hung, có thái độ khiếm nhã với nhân viên, tiếp viên hàng không. Tháng 8, Cảng vụ hàng không miền Nam đã xử phạt 15 triệu đồng đối với một hành khách hạng thương gia vì có hành vi tát vào mặt nữ tiếp viên hàng không.
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP HCM, nam hành khách này không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus nên đã tát vào má trái của nữ tiếp viên vì cho rằng nữ tiếp viên đã lấy điện thoại. Sau khi chuyến bay hạ cánh, chiếc điện thoại được tìm thấy dưới ghế hành khách. Vị khách thương gia thừa nhận hành vi sai trái của minh và nộp phạt.
Cuối năm 2015, trên máy bay Vietjet Air từ Vinh đi TP HCM, một hành khách nam đã có thái độ sàm sỡ, dùng điện thoại vỗ vào mông tiếp viên hàng không, khiến tổ bay với tiếp viên nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành khách này.
Ngoài ra, gần đây còn nhiều vụ việc như hành khách xé rách áo, lăng nhục nhân viên hàng không tại sân bay... Theo đại diện Vietnam Airlines, các vụ xô xát, hành hung gây ảnh hưởng tâm lý, tinh thần không chỉ người liên quan mà còn với nhiều nhân viên hàng không. Hãng kịch liệt phản đối những hành vi thiếu văn hóa, gây mất trật tự, vi phạm các quy định về an toàn, an ninh hàng không cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ.
"Khi hành khách xô xát trên máy bay thì đội bay có thể phản ứng, thậm chí trói hành khách để đảm bảo an toàn bay. Tuy nhiên, nếu vụ việc diễn ra ở sân bay thì phải chờ lực lượng an ninh sân bay giải quyết, nhưng trong một số vụ lực lượng an ninh xuất hiện khá chậm", đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa hành khách gây rối, xử lý nghiêm các vụ việc hành hung nhân viên hàng không.
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không, mặc dù hiện tượng khách gây rối, không chấp hành quy định tại cảng hàng không có xu hướng gia tăng, nhưng số này chỉ là cá biệt so với hàng triệu lượt hành khách đi máy bay mỗi ngày.
Các vụ việc tranh cãi, xô xát thường nảy sinh khi hành khách gặp các vấn đề bức xúc như chuyến bay chậm trễ, khách mang quá khối lượng hành lý, bị cắt lại trước giờ bay... "Dù là vấn đề gì, không thể ngụy biện cho các hành vi xô xát, hành hung nhân viên hàng không", lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Điều đáng chú ý là một số vụ việc hành hung nhân viên hàng không xảy ra với khách thường xuyên đi máy bay. Trong khi đó, nhiều khách nước ngoài, khách trong nước lần đầu đi máy bay thường chấp hành chỉ dẫn, cư xử đúng mực và không có phản ứng thái quá khi gặp vấn đề phát sinh.
Đề cập đến mức phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng với hành vi hành hung nhân viên hàng không quá thấp, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, mức phạt này đã được cơ quan chức năng nghiên cứu căn cứ thu nhập của số đông người dân nên đã có tính răn đe. Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung như cấm bay, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vụ việc.
Đoàn Loan