Trao đổi với VnExpress ngày 20/3, TS Trần Hữu Minh, ĐH Giao thông, nhận xét, giải pháp sử dụng công nghệ thông tin, dùng dữ liệu của điện thoại để cập nhật các tình huống giao thông, rồi truyền tải thông tin đến người dân để việc đi lại thuận tiện, tránh các sự cố trên đường là xu hướng đã được nhiều quốc gia phát triển. Việt Nam cũng cần có biện pháp chuyển thông tin giao thông đến cho người dân qua điện thoại, máy tính bảng.
Tuy nhiên, TS. Trần Hữu Minh cho rằng, mối lo ngại việc thu thập dữ liệu có thể xâm phạm đời tư là có cơ sở. Do vậy, các cơ quan quản lý phải thể chế hóa bằng các quy định như nghị định, thông tư để việc thu thập dữ liệu điện thoại, đảm bảo dùng công nghệ phục vụ phát triển xã hội song vẫn đảm bảo quyền thông tin cá nhân.
Ông Minh chia sẻ, trước đây, tại một số nước phát triển có tình trạng người dân phản ứng khi các doanh nghiệp thu thập dữ liệu cá nhân của người dân. Khi thu nhận dữ liệu từ điện thoại di động, chính quyền đã yêu cầu chỉ sử dụng thông tin chung của thuê bao, còn thông tin chi tiết không được công bố, như không thu thập thông số hành trình của chủ thuê bao trước 500 m và sau 500 m...
Đánh giá đề án thu thập dữ liệu điện thoại để giám sát giao thông là phù hợp xu thế thế giới, song ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội, cũng lo ngại tính bảo mật của dữ liệu cá nhân. Ông Liên cho rằng, hiện nay các thuê bao điện thoại thường nhận được nhiều tin nhắn rác, có thể do nhà mạng đã làm lộ số thuê bao cho nhiều đối tượng khác. Do vậy, khi thu nhập thông tin cá nhân và chuyển xử lý tại các đơn vị khác thì nhà mạng cần phải có các biện pháp hạn chế bảo mật cá nhân, nếu không sẽ gây hậu quả xấu cho cộng đồng.
Ông Liên nhận xét, hiện đề xuất sử dụng dữ liệu điện thoại cá nhân vào quản lý giao thông chỉ là của một nhóm nghiên cứu, chưa được các cơ quan quản lý thông qua. Do vậy, để đề án này thực hiện được thì cần có đầy đủ tính pháp lý.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, đánh giá, đề án lấy dữ liệu giao thông từ thuê bao di động là không phù hợp pháp luật Việt Nam. Vì thông tin cá nhân, thư tín là bí mật cá nhân bất khả xâm phạm đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ Luật dân sự. Các dữ liệu này lại đang được lưu trữ và sử dụng qua điện thoại. Do vậy, nếu thu thập các dữ liệu từ điện thoại có thể sẽ xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân. Hiện nay cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra thông tin cá nhân khi người đó có vi phạm pháp luật.
"Không thể nói là nhà mạng chỉ lấy thông tin giao thông chung chung, khi điện thoại bị xâm nhập thì rất có thể bị lộ thông tin cá nhân. Học tập các nước trên thế giới là cần thiết song phải phù hợp với pháp luật Việt Nam", Luật sư Trần Đình Triển nói.
Luật sư Trần Vũ Hải cũng cho rằng, nếu nhà mạng chỉ thu nhập các dữ liệu phương tiện như những chấm trên bản đồ thì không vi phạm thông tin cá nhân, song nếu thu thập cụ thể từng số thuê bao, lộ trình đường đi của người đó thì phải xem xét kỹ.
"Chúng ta cần phải cụ thể hóa việc lấy dữ liệu điện thoại bằng luật pháp, nhà mạng chỉ được sử dụng dữ liệu vào mục đích gì, không được lấy các dữ liệu gì", Luật sư Hải nhận định.
Đoàn Loan