Sau gần một ngày sự cố cọc sắt rơi tại công trường thi công nhà ga tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, sáng 11/5, Ban quản lý dự án đã có cuộc họp, yêu cầu nhà thầu chính Posco báo cáo sự việc và biện pháp khắc phục.
Ông Nghiêm Xuân Đức, Trưởng phòng An toàn nhà thầu Posco cho biết, qua kiểm tra, lỗ dùng để móc của thanh sắt đã bị nứt, nhưng hai công nhân nhà thầu phụ không kiểm tra kỹ mà vẫn đưa thanh sắt lên máy ép cọc. Vết nứt vì thế mở rộng, trượt khỏi lỗ móc khiến đầu trên thanh sắt đổ ra ngoài đường, làm hỏng một đoạn tường rào tôn, hư hại hai xe máy.
"Lỗi do con người, nếu giám sát tốt sẽ loại bỏ được nguy hiểm và không xảy ra sự việc", ông Đức nhấn mạnh và cho hay đơn vị đã cử người ra hiện trường xử lý. Sau 10 phút công nhân đã đưa thanh cừ vào trong công trường, ngoài đường phương tiện lưu thông bình thường.
Để tránh sự cố tương tự, theo đại diện nhà thầu Posco, khi thi công ép cọc cừ phải sử dụng hai dây để treo móc, một dây chính móc vào lỗ chính, một dây phụ móc ngang. Toàn bộ kỹ sư giám sát, an toàn cho công nhân, đặc biệt là công tác treo móc tải, sẽ được huấn luyện lại. Phía ngoài tường rào cũng sẽ có một người để cảnh báo giao thông, tránh xa cọc cừ khi đang thi công.
Ông Lee Sang Don, Giám đốc Posco, nhà thầu chính nhà ga trên, lấy làm tiếc và rất xin lỗi vì để xảy ra sự việc. "Với cương vị là nhà quản lý, tôi nhận mình chưa làm đủ trách nhiệm. Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra, rút kinh nghiệm tất cả thao tác trong quá trình thi công", ông Lee nói.
Cũng theo ông Lee, để không xảy ra sự cố tương tự, nhà thầu sẽ đào tạo lại tất cả kỹ sư hiện trường và sẽ tập trung hơn nữa cho công tác an toàn trong thi công. Với những phương tiện vật tư bị hư hại, ảnh hưởng bởi thanh cừ rơi xuống đường, Posco sẽ có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.
Không đồng tình với việc thi công ẩu, ông David Chellier, quyền giám đốc tư vấn dự án thuộc nhà thầu Systra (Pháp) cho rằng, vấn đề an toàn của dự án là số một, khẩu hiệu này không phải để trang trí mà phải thực hiện. Sự cố do nhà thầu làm việc vào chủ nhật, không có sự giám sát của Systra. Để tránh sự việc tương tự, đơn vị tư vấn đề nghị không cho các gói thầu làm việc vào chủ nhật.
Chốt lại buổi họp, ông Lê Huy Hoàng, Phó giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đề nghị ga số 4 (đoạn xảy ra sự cố) tạm dừng công tác ép cừ cho đến khi có biện pháp an toàn. Mọi việc phải làm trong 3 ngày để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ông Hoàng cũng yêu cầu nhà thầu Posco phải tìm hiểu và điều tra những người bị ảnh hưởng bởi sự cố, gặp trực tiếp để có sự hỗ trợ thích đáng như tu sửa phương tiện và đặc biệt phải tạm dừng 8 nhà ga do Posco làm nhà thầu để kiểm tra, chỉ khi đảm bảo an toàn mới được thi công.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng giao đơn vị tư vấn Systra đánh giá lại năng lực thi công tất cả các đơn vị trên công trường, nếu không đáp ứng sẽ đề nghị thay thế.
Về trách nhiệm của các bên, theo ông Hoàng, sau khi có báo cáo cụ thể từ Posco và đi thực tế tại hiện trường, Ban sẽ ra quyết định xem xét trách nhiệm của đơn vị trực tiếp thi công cũng như bên cung cấp thanh cừ.
Trước đó chiều 10/5, tại tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn qua phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một chiếc cọt sắt đã rơi ra đường khiến hai người đi xe máy bị ảnh hưởng nhẹ.
Nạn nhân Nguyễn Mạnh hùng ở Cầu Diễn kể lại, trên đường đi làm về cùng một người bạn, bất ngờ thanh sắt rơi mạnh xuống đường. "Lúc đó xe đi quá gần nên tôi không phanh kịp và đâm vào thanh sắt, xe bị xây xước. Người bạn đi cùng bị thanh sắt đè vào đầu xe gây vỡ yếm", anh Hùng kể.
Bá Đô