Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.
Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở.
Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp. Công nhân đứng máy luôn miệng nhắc người dân, nhưng chẳng ai bận tâm. Thấy xe chở bê tông lăn bánh tiếp, nhiều người cầm xẻng dọa rồi yêu cầu dừng lại. Cách đây 10 ngày, vì ngăn cản người dân lấy vật liệu, một nhân viên của nhà thầu đã bị đánh phải nằm viện.
“Người dân đòi hỏi chúng tôi trải thảm bêtông nhựa vào đường dân sinh", một công nhân nói.
Theo hồ sơ thiết kế, đường dân sinh sẽ được thi công sau khi Quốc lộ 1A hoàn thành tùy theo hiện trạng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã vuốt nối, tạo đường ngang tạm thời đảm bảo giao thông cho người dân.
“Người dân không hiểu quy trình thi công nên kéo ra yêu cầu vuốt nối toàn bộ đường ngang bằng đá dăm. Cán bộ, công nhân bảo người dân đừng lấy thì bị đe dọa, cản trở”, ông Lê Vũ Thức, Chỉ huy trưởng của nhà thầu Thanh Bình cho biết.
Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi. "Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”, một người dân nói.
“Mỗi nhà dân chỉ lấy một xe đắp đường cũng đủ khiến chúng tôi đau đầu”, một kỹ sư nói. Hiện chỉ mới thi công 6 km, nhà thầu thất thoát 5.000-7.000 m3 đá cấp phối loại 1, với đơn giá 220 nghìn đồng/m3.
Các nhà thầu cho hay đã báo với địa phương nhưng sự xuất hiện của lãnh đạo và công an xã không có tác dụng, người dân vẫn thản nhiên lấy vật tư. Tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), chính quyền chỉ dừng ở việc tuyên truyền người dân không lấy vật tư thi công chứ không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tình trạng này.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, chủ tịch xã Hồng Thủy thì cho rằng nhà thầu chưa thông báo với chính quyền địa phương về vấn đề này.
Hoàng Táo