Tại hội nghị An toàn giao thông toàn quốc sáng 31/1, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhấn mạnh công chức không được uống rượu bia trong giờ hành chính, buổi trưa. Những cán bộ vi phạm giao thông mà còn xin xỏ, không chấp hành sẽ kiên quyết kỷ luật.
Bên cạnh việc khen ngợi Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa xin từ chức vì tai nạn giao thông tăng dịp đầu năm, Phó thủ tướng cũng đề cập tới trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có cán bộ vi phạm và nhất là lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Trà Vinh, Cần Thơ, Lai Châu đang tăng cả số vụ lẫn số người chết và bị thương.
"Tôi rất cảm động khi lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xin từ chức vì tai nạn giao thông tăng. Tôi nói là tai nạn cũng do khách quan chứ chưa phải chủ quan nên để tùy tình hình xử lý, song ít lãnh đạo có tự trọng như vậy", ông Phúc bày tỏ.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, lãnh đạo một số địa phương chưa có trách nhiệm, chưa nhận thức tầm quan trọng của an toàn giao thông, còn đưa ra quy định chưa sát thực tế, chưa xây dựng văn hóa giao thông, tổ chức giao thông còn bất cập, buông lỏng quản lý vận tải, xuê xoa tuần tra kiểm soát...
Trong dịp Tết, ông Phúc yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện công điện của Thủ tướng về đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết, xử lý nghiêm người vi phạm trước và sau Tết, ngăn chặn tăng giá vé trái quy định, đình chỉ hoạt động phương tiện thiếu an toàn.
Lãnh đạo các tỉnh đều bày tỏ đồng tình chủ trương cấm công chức uống rượu bia. Theo ông Nguyễn Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tai nạn giao thông của tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí trên 20% là do công tác điều hành quyết liệt của địa phương, nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu bia và can thiệp vi phạm giao thông… Tỉnh này đã kỷ luật, điều chuyển 25 cán bộ vi phạm.
Còn ông Vương Đình Thạnh, Chủ tịch An Giang cho hay, thống kê có tới 60% tai nạn giao thông do uống rượu bia. Sau khi ký cam kết với 40.000 cán bộ trong tỉnh thì tai nạn giảm còn 30%.
"Tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu cán bộ, đảng viên ký kết về an toàn giao thông, không có chuyện cán bộ đi xin xỏ khi vi phạm. Cùng với đó là gắn trách nhiệm người đứng đầu", Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì nói.
Năm 2013, cả nước xảy ra hơn 29.300 vụ tai nạn, làm chết hơn 9.300 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 1.610 vụ (5%), giảm 55 người chết (0,5%), giảm 3.000 người bị thương (9%). Năm qua có 19 tỉnh có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó có 7 tỉnh có số người chết tăng trên 10% là Khánh Hòa, Hà Giang, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Điện Biên, Lai Châu, Thừa Thiên Huế. Tại Hà Nội và TP HCM, tình hình ùn tắc giao thông có xu hướng giảm. Hà Nội đã giảm từ 124 điểm ùn tắc giao thông xuống còn 57 điểm. Tại TP HCM giảm 8 vụ so với 2012, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Bộ Công an xử lý hơn 5,5 triệu trường hợp vi phạm, thu 2.900 tỷ dồng, tước giấy phép hơn 449.000 trường hợp, tạm giữ 31.000 ô tô, 609.000 mô tô, số tiền phạt tăng 570 tỷ đồng so với năm trước. |
Đoàn Loan