Sáng 26/2, UBND tỉnh Lào Cai và Cục Hàng không Việt Nam tổ chức công bố điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh, Cảng Hàng không Lào Cai là cảng nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự, có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương.
Địa điểm xây dựng tại bản Cam 3, Cam 4, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với tổng diện tích quy hoạch 261 ha (thay cho địa điểm đã quy hoạch trước đây tại thôn Giao Ngay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng). Ưu điểm của vị trí mới là mặt bằng rộng, hoạt động bay thuận lợi khi máy bay có thể tiếp cận từ 2 đầu đường băng, ít phải bạt ngọn núi. Vị trí cách thành phố Lào Cai 34 km, kết nối giao thông trực tiếp với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đảm bảo điều kiện để nâng cấp sân bay lên hạng 4C (ICAO), đủ tiêu chuẩn khai thác máy bay loại A320, A321-200.
Giai đoạn đến năm 2020, sân bay Lào Cai có có công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm. Trong giai đoạn đến 2030, Cảng Hàng không Lào Cai nâng công suất lên 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm với 5 vị trí đỗ tàu bay. Cảng cũng sẽ được quy hoạch xây dựng thêm nhiều hạng mục quan trọng, như: khu thương mại, dịch vụ, nhà ga hàng hóa...
Cảng hàng không Lào Cai sẽ có một nhà ga hành khách trên khu đất 10.000 m2 với công suất thiết kế 308 hành khách/giờ cao điểm và trong giai đoạn tiếp theo là 634 hành khách/giờ cao điểm.
Việc xây dựng sân bay cấp 4C tại Lào Cai sẽ đủ đáp ứng nhu cầu bay tới tất cả các sân bay trong nước và một số sân bay quốc tế như: Jakarta (Indonesia), Singapore, Malaysia, Côn Minh (Trung Quốc) và Vienchan (Lào).
Ngày 25/2, ông Trần Minh Sơn, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) cho biết, Sun Group đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải được làm nhà đầu tư toàn bộ sân bay Lào Cai theo quy hoạch chi tiết được Bộ Giao thông phê duyệt. Doanh nghiệp này còn đề nghị được xây dựng sân bay Quảng Ninh.
Đoàn Loan