Phát biểu tại hội nghị sơ kết 9 tháng sáng 12/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, nếu ngành giao thông không nỗ lực thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp thì không thể có hạ tầng giao thông như hiện nay, chưa thể có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hay cầu Cổ Chiên...
Đề cập về mức phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ trưởng Thăng cho biết, dự án nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được Chính phủ cho chủ trương đầu tư, từng có nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu song không thực hiện. Sau một thời gian dài mới có một doanh nghiệp trong nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa mặt đường và thu phí từ đầu tháng 10 theo phương án đã được phê duyệt.

Trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: infonet
"Tiền thu phí chỉ là vốn đầu tư nâng cấp mặt đường chứ không phải cả con đường. Hiện giờ người dân thắc mắc là doanh nghiệp không phải làm đường mà thu phí cao", Bộ trưởng Thăng nói.
Để minh bạch số tiền thu phí, lãnh đạo Bộ Giao thông yêu cầu các đơn vị liên quan cắm biển trên tất cả dự án BOT, ghi rõ chủ đầu tư, số tiền quyết toán, thời gian thu phí... để người dân biết và giám sát.
Với thông tin Hà Nội đang bị "bủa vây" với nhiều trạm thu phí, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các trạm thu phí ở miền Tây Nam Bộ mọc lên rất nhiều song người dân không phàn nàn, nếu so sánh miền Tây Nam Bộ thì số trạm thu phí xung quanh Hà Nội là rất ít. Với 70 dự án BOT mà Bộ Giao thông đang triển khai thì phần lớn tại đồng bằng sông Cửu Long. Người dân miền sông nước Nam Bộ chỉ mong xóa phà, làm cầu nên không ngại trả phí cao để được đi an toàn.
Hiện nay, xung quanh Hà Nội có nhiều tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT đã đưa vào thu phí, như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có thời gian thu phí hơn 17 năm, đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi). Đoạn tuyến có mức phí thấp nhất là Vạn Điểm - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại với mức thu 10.000-40.000 đồng tùy phương tiện. Xe đi toàn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam dài 28 km và ngược lại sẽ phải nộp phí từ 45.000 đến 180.000 đồng.
Đoàn Loan