Tại cuộc họp về kế hoạch cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất chiều 6/2, TS Nguyễn Bách Tùng (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC - đơn vị tư vấn) cho biết, sân bay này có thể khai thác 36 - 38 chuyến/giờ, đáp ứng tối đa cho 223.500 chuyến cất, hạ cánh/năm. Năm 2016, Tân Sơn Nhất đã khai thác xấp xỉ 218.000 lượt cất, hạ cánh.
Cũng theo ông Tùng, hiện Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng cho 50 vị trí đỗ trong khi nhu cầu là 67. Vấn đề này sẽ cơ bản được giải quyết sau khi triển khai dự án xây dựng sân đỗ tại 21 ha đất quân đội bàn giao.
Ông Tùng nhấn mạnh, đến thời điểm này, khu bay đã tới hạn, sân đỗ đang thiếu và nhà ga hành khách đã quá tải trầm trọng, cần phải cấp bách đầu tư. Dự báo năm 2017, Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách. Con số này trong các năm 2018, 2020 sẽ là 45 và 49 triệu khách.
Ông Tùng cho hay ADCC đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cấp bách, theo hướng xây dựng thêm một đường lăn thoát nhanh, một đường lăn song song và triển khai làm sân đỗ tại khu vực 21 ha; đầu tư nhà ga lưỡng dụng T3, nhà ga hành khách T4 cùng có công suất 10 triệu khách/năm trên khu vực Trung đoàn 917 - 918 hiện nay.
“Phương án này không động vào đất của dân mà sử dụng đất của phòng không không quân, thời gian xây dựng nhanh, chỉ trong vòng 2 - 3 năm có thể nâng công suất lên tới 42 - 43 triệu khách/năm trong khi tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 19.700 tỷ đồng”, ông Nguyễn Bách Tùng nói.
Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ cho biết, phương án trên đã tham khảo ý kiến rất nhiều chuyên gia sau khi cân nhắc các vấn đề hạ tầng, quản lý, khai thác cũng như nhu cầu phát triển, đội bay khai thác của các hãng hàng không…
“So với các phương án thì đề xuất này khả thi nhất về thời gian thực hiện, kinh phí thấp song vẫn nâng được công suất đáp ứng nhu cầu trước mắt”, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Lê Mạnh Hùng nói.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các công việc cần thiết, đảm bảo đến năm 2018 có thể đưa được hệ thống đường lăn, sân đỗ vào khai thác.
Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất để triển khai xây dựng nhà ga T3, T4, đồng thời trình Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, chỉ định nhà đầu tư đối với 2 nhà ga nhằm đảm bảo tính cấp bách của dự án.
“Trong năm 2017 sẽ phải hoàn tất việc đầu tư xây dựng sân đỗ khu vực 21 ha. Riêng việc sửa chữa đường cất hạ cánh, xây dựng nhà ga T3, T4 cố gắng hoàn thành trong năm 2018”, Bộ trưởng Nghĩa chỉ đạo.
Phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị tư vấn ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra, đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chấp thuận tại cuộc họp Chính phủ ngày 20/1. Theo đó sẽ xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm. |
Đoàn Loan
>Phó thủ tướng chốt phương án đầu tư gần 20.000 tỷ mở rộng Tân Sơn Nhất/Giảm tải cho Tân Sơn Nhất, nhiều máy bay sẽ đậu qua đêm ở Cần Thơ