Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án BT và BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải. Kết luận chỉ ra hai vi phạm chính là Bộ Giao thông không thực hiện đầy đủ quy trình đấu thầu và một số dự án ghép việc cải tạo với xây dựng mới rồi đặt trạm thu phí không hợp lý.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Xuân Hoa. |
Phản hồi về việc trong 7 dự án "Bộ không chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lý giải, nhiều dự án BOT có tính cấp bách như cải tạo mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được Chính phủ chỉ đạo nên Bộ áp dụng chỉ định thầu. Ngoài ra, một số dự án khác khi kêu gọi đấu thầu chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì sau đó cũng áp dụng chỉ định thầu.
Ông Đông cũng cho biết các dự án vành đai 3, TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hay dự án Dầu Giây - Phan Thiết là mô hình mẫu đấu thầu dự án BOT, Bộ đã bán hồ sơ mời thầu song rất ít nhà đầu tư tham gia.
"Đúng là chúng tôi chưa có quy trình đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách, song mỗi dự án đều tính toán sự cần thiết đầu tư dựa trên hiện trạng, lấy ý kiến địa phương và các bộ ngành, rồi báo cáo Thủ tướng", ông Đông nói.
Với các dự án Thanh tra Chính phủ đánh giá là có bất cập, đặt trạm thu phí chưa hợp lý như dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình, Xuân Mai - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Đông cho hay, Bộ sẽ rà soát từng dự án để có giải pháp cụ thể. Ví dụ dự án Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ chưa cho phép thu phí để tính toán lại phương án tài chính, chính sách hỗ trợ người dân.
"Bộ Giao thông sẽ thực hiện nghiêm túc theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các tồn tại sẽ được giải quyết, sai phạm của cá nhân, tổ chức đến đâu sẽ xử lý đến đó", ông Đông khẳng định.
Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình xây dựng, Bộ Giao thông thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. 100% dự án thuộc diện thanh tra đều là chỉ định thầu.
Bộ Giao thông khi phê duyệt đã "ghép việc cải tạo đường với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt hai trạm thu phí tại hai nơi không hợp lý". Đơn cử đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài 28 km nhưng quyết định đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã phê duyệt lên tới 40,7 km, gộp cả việc nâng cấp cải tạo quốc lộ 3 cũ, trong khi việc cải tạo đường cũ phải thực hiện bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ.