Ngày 13/12, HĐND TP Đà Nẵng bắt đầu phiên chất vấn với nhiều ý kiến bức xúc về việc UBND quận Hải Châu cho phép Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng xã hội hóa trường mầm non công lập 29/3. Mới đây công ty này tiếp tục được chuyển trường mầm non Tiên Sa sang tư thục.
Theo đại biểu Thái Thanh Hùng, việc xã hội hóa giáo dục phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Thành phố đã đầu tư thì phải quan tâm đến trường công lập. "Xã hội hóa thì cần bán đất cho công ty đầu tư, chứ không thể để họ xã hội hóa trên đất có sẵn", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Phước nói chủ trương xã hội hóa như hiện tại chỉ đúng về lý, chứ không phù hợp. Ông Phước lý giải, ngày trước cho phép xã hội hóa giáo dục vì kinh tế quá khó khăn nhưng gần đây tăng trưởng kinh tế đã ổn định thì cần thiết chuyển trường mầm non ngoài công lập, dân lập sang công lập.
Còn đại biểu Vũ Hùng cho rằng, việc cho phép Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng xã hội hóa trường mầm non 29/3 chưa được bàn kỹ, không có quy hoạch cũng như đề án và lộ trình cụ thể. "Đề nghị thành phố sớm có đề án xã hội hóa để không xảy ra tình trạng tương tự gây bức xúc trong nhân dân", ông Hùng nói.
Trả lời các chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Bộ Giáo dục không có bất cứ hướng dẫn nào về việc chuyển từ trường công lập sang tư thục. Bộ hướng dẫn việc chuyển từ trường dân lập sang trường tư thục nhưng phải được HĐND đồng ý.
![IMG-7113-5489-1386919688.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/12/13/IMG-7113-5489-1386919688.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VpZnfOJeWcIa_ZSnwWiqiw)
Trường mầm non Tiên Sa mới đây bất ngờ nhận được chủ trương xã hội hóa của UBND quận Hải Châu. Ảnh: Nguyễn Đông
"Nghị quyết Trung ương 8 vừa qua cũng khẳng định, các trường mầm non công lập thì Nhà nước phải ưu tiên đầu tư, khuyến khích xã hội hóa trường tư theo hướng chất lượng cao chứ không phải là biến trường công sang tư thục", ông Chinh nói và cho biết việc xã hội hóa trường 29/3 là chủ trương của UBND TP Đà Nẵng từ năm 2009, phía Sở giáo dục không tham mưu.
Ông Chinh vừa dứt lời, Chủ tịch HĐND Trần Thọ lập tức yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hải Châu giải trình. Ông Lê Anh vẫn giữ quan điểm về việc cho phép Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng được xã hội hóa trường mầm non công lập vì các trường này quá xuống cấp, không đảm bảo cho công tác dạy và học.
"Trường mầm non Tiên Sa thì quận mới chỉ có chủ trương. Còn trường mầm non 29/3, sau khi quận có văn bản, UBND thành phố đã thống nhất cho Công ty Cổ phần Lương thực được quyền xã hội hóa, đồng thời giao quận phối hợp triển khai theo lộ trình", ông Lê Anh nói.
Cho rằng kinh tế khó khăn, trong khi Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng lại có nguyện vọng đầu tư, ông Trần Thọ nhận định việc xã hội hóa trường mần non hoàn toàn không sai và rất đáng khuyến khích.
"Cái sai ở đây là ta làm không đúng quy trình, vượt quá thẩm quyền. Quy định thẩm quyền này là của HĐND thành phố. HĐND chưa thông qua đề án quy hoạch, tại sao quận Hải Châu lại kiến nghị, tham mưu như thế, UBND thành phố không chú ý kiểm tra nội dung?", ông Thọ quyết liệt truy trách nhiệm."Gần đây lại tiếp tục tham mưu, đề xuất xã hội hóa trường mầm non Tiên Sa không đúng thẩm quyền. Tuy là mới soạn ra thôi nhưng tại sao không báo cáo, tại sao Giám đốc Sở Giáo dục không biết, Ban Văn hóa xã hội không biết, mà các anh tự làm như thế, vượt thẩm quyền cho phép".
Sau khi yêu cầu UBND quận Hải Châu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thành phố cũng cảm ơn báo chí đã phản ánh kịp thời, chính xác vấn đề. "Từ nay trở đi, việc xã hội hóa tiếp tục khuyến khích theo tinh thần của Bộ nhưng phải hết sức cẩn trọng. Một khi chuyển trường mầm non công lập sang tư thục thì phải được HĐND cho phép", ông Thọ nói thêm.
Liên quan đến ý kiến cử tri phản ánh việc nhiều trường học trên địa bàn tồn tại tình trạng quá tải do đa số học sinh học trái tuyến, ông Thọ thẳng thắn: "Mấy năm nay năm nào cũng nói trái tuyến, quá tải trường học, họp hành cũng nhiều nhưng cuối cùng là vẫn trái tuyến, vẫn quá tải".
Ông Chủ tịch Hội đồng dẫn chứng hàng loạt trường có học sinh học trái tuyến, như Tiểu học Hoàng Văn Thụ có đến hơn 50% học sinh trái tuyến, Tiểu học Phan Thanh 45%... Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hộ khẩu một nơi, ở một nẻo. Người dân đăng ký hộ khẩu chỉ để nhờ làm thủ tục nhập học cho con.
"Và cũng do chúng ta mà sinh ra hết, điện thoại, thư tay cán bộ hết. Thậm chí con giáo viên trong trường đó xin vào học cũng không được. Năm nay phải chấm dứt tình trạng trái tuyến để đảm bảo học sinh những nơi đó được học hai buổi theo quy định của Bộ Giáo dục. Cái này nói là phải làm", ông Thọ quả quyết.
Nguyễn Đông