Làm việc về tình hình cai nghiện tại các trung tâm ở TP HCM chiều 14/11, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội - cho biết các đơn vị cai nghiện của thành phố không quá tải, cơ sở vật chất có thể đáp ứng cho 24.000 người nhưng hiện mới chỉ tiếp nhận 50%.
Chế độ ăn uống cho học viên khoảng 30.000-40.000 đồng mỗi người một ngày. Bữa ăn có đầy đủ thịt cá, với nhiều món ăn, giúp học viên đảm bảo tốt sức khỏe để cai.
"Chế độ của học viên nhiều khi còn tốt hơn chế độ dành cho mẹ tôi ở nhà, là vợ liệt sĩ. Nhiều người sau khi cai không muốn về vì điều kiện ăn uống, sinh hoạt ở trung tâm tốt hơn nhiều khi ở bên ngoài", ông Tấn nói.
Theo giám đốc Sở Lao động, đời sống tinh thần học viên tại 15 trung tâm cai nghiện (gồm cả 3 trung tâm tư nhân) của thành phố rất chu đáo. Nơi ăn ngủ, tắm rửa sạch sẽ, rộng rãi; có tivi, sách báo để giải trí. Học viên còn được tham gia các hoạt động thể thao như bóng rổ, bóng bàn… giúp tinh thần thoải mái.
"Tất cả cán bộ trung tâm được quán triệt không coi người nghiện là tội phạm. Cán bộ xem học viên như người trong gia đình và thường xuyên tâm tình, chia sẻ. Nhờ điều này nên dù các trại cai ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu quậy phá, bỏ trốn nhưng TP HCM vẫn ổn định", ông Tấn khẳng định.
Về tình hình an ninh trật tự tại các trại cai nghiện của thành phố, ông Trần Ngọc Du – Trưởng chi cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội – cho biết, sau khi học viên ở các tỉnh lân cận tổ chức đập phá, trốn trại, đơn vị đã tham mưu cấp trên rồi gửi văn bản yêu cầu các trung tâm sẵn sàng phương án ứng phó.
"Nhờ triển khai các biện pháp an ninh, phối hợp lực lượng nội bộ và bên ngoài, đồng thời ổn định tư tưởng học viên mà sau 2 tuần không có sự cố nào. Đây là cố gắng rất lớn của các trung tâm trong tình hình phức tạp", ông Du nói.
"Ban giám đốc trung tâm phải chia mỗi người một khu để quản lý tình hình. Những học viên cầm đầu được tách riêng, tránh việc kích động", đại diện một trung tâm chia sẻ.
Trước việc các trung tâm kêu thiếu hơn 200 biên chế nhưng tuyển dụng rất khó do lương thấp, Giám đốc Lê Minh Tấn nói sẽ đề xuất thành phố tăng cường. Ông cũng lưu ý các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư tưởng, lắng nghe nguyện vọng của học viên để quản lý tốt hơn.
"Trường hợp trung tâm Thanh Đa (tư nhân) là ví dụ, 2 học viên tấn công bảo vệ cần ngay lập tức cách ly riêng ra. Phải nghiên cứu hồ sơ của học viên thật kỹ khi vào trại để phân loại, tránh trường hợp này xảy ra lần nữa", ông Tân nhấn mạnh.
TP HCM hiện có hơn 11.250 học viên cai nghiện, kể cả tự nguyện. Trong đó, một số trung tâm học viên có tiền án tiền sự, nghiện ma túy tổng hợp chiếm đến quá nửa. Sắp tới, lãnh đạo TP HCM sẽ thị sát các trung tâm để nắm tình hình.
Duy Trần