Theo người dân, tháng 12/2011, UBND thành phố Huế có quyết định di dời 113 hộ nằm trong dự án giải tỏa, chỉnh trang và xây dựng bờ kè sông An Cựu, đoạn từ chân cầu An Cựu đến cống Phát Lát (đường Đặng Văn Ngữ, phường An Đông). Các hộ dân được chuyển đến khu tái định cư Đông Nam Thủy An cách đó gần 2 km.
Ban Đầu tư xây dựng thành phố cho biết, kinh phí để di dời các hộ dân này gần 38 tỷ đồng, do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp. Việc di dời hoàn thành vào tháng 9/2014, nhưng hiện dự án xây dựng bờ kè chưa triển khai.
Trong khi đó, tại khu đất giải tỏa, UBND phường An Đông đã cho phép Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 9.000 m2 một ngôi nhà rường kiên cố cao hai tầng và hai ngôi nhà nhỏ cạnh khu vực bờ sông An Cựu, vốn là phần đất của dự án xây dựng bờ kè.
Ông Lê Văn Tân, một hộ dân di dời, nói: "Chính quyền vận động người dân đi để xây bờ kè, công viên chỉnh trang hai bên bờ sông cho đẹp. Dân đồng ý đi nhưng bây giờ lại cho doanh nghiệp thuê để bán cà phê. Khi triển khai dự án cho doanh nghiệp thuê chính quyền cũng không tổ chức họp dân, điều này khiến dân bức xúc". Theo ông Tân, sau khi chuyển về nơi ở mới, công việc buôn bán của một số hộ bị ảnh hưởng, vì trước đó họ sống gần chợ, việc kinh doanh thuận tiện.
Lý giải về việc cho phép xây dựng công trình trên phần đất giải tỏa, Phó chủ tịch UBND phường An Đông Lê Trung Long cho biết, sau khi dân được di dời, cảnh quan tại khu đất này rất ngổn ngang, nhà cửa hoang phế gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, nhiều hộ kinh doanh tái lấn chiếm.
Do ngân sách đầu tư xây dựng công viên cây xanh có hạn nên UBND phường đã đề xuất với thành phố xin chủ trương xã hội hóa xây dựng một điểm xanh (đường đi dạo, nhà hàng chuyên kinh doanh thức uống giải khát, hệ thống cây xanh) tại đây.
"Khu vực này đã có kế hoạch giải tỏa gần 20 năm nay. Sau khi giải tỏa thì cả thành phố và tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết nên phường xin chủ trương kêu gọi đầu tư thực hiện dự án", ông Long giải thích và nói thêm rằng việc cho Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông làm quán cà phê có diện tích khoảng 9.000m2, thời hạn 20 năm, đã được sự đồng ý của UBND thành phố Huế.
Vị phó chủ tịch phường cho hay, theo điều khoản hợp đồng, sau 20 năm thì tất cả cơ sở vật chất do doanh nghiệp đầu tư trên dự án này đều được chuyển cho UBND phường An Đông quản lý, sử dụng để phục vụ người dân. Hàng năm phía chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền gần 40 triệu đồng cho ngân sách phường, vừa mang tính chất phúc lợi vừa để cho địa phương có nguồn thu.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi nhận phản ánh, Sở đã cử cán bộ về tận nơi để kiểm tra và xác nhận Công ty TNHH Sinh vật cảnh An Đông vẫn chưa có giấy phép xây dựng công trình trên phần đất thuộc dự án.
"Công trình này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng kiên cố, lại hoạt động dịch vụ như vậy là chưa đúng", ông Hùng nói và cho biết "có sự buông lỏng" trong công tác quản lý xây dựng của chính quyền cơ sở.
Chiều 9/4, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành đã ký văn bản tạm dừng thi công thực hiện dự án Công viên cây xanh dọc bờ sông An Cựu. "Đề nghị UBND phường An Đông khẩn trương kiểm tra, rà soát thủ tục hồ sơ dự án, phương án hợp tác - khai thác, quy mô và kết cấu - kiến trúc của công trình, điều kiện thi công... và có văn bản báo cáo UBND thành phố trước ngày 25/4", văn bản nêu.
Đắc Đức