Những ngày qua, người dân TP HCM tại nhiều khu vực liên tục sống trong âu lo khi cứ tối tối nước từ cống chui lên, ngoài sông, kênh rạch tràn vào, kết hợp với mưa khiến nhà, đường phút chốc thành sông. Đỉnh triều 1,68 m lập kỷ lục trong 61 năm qua càng làm khổ người dân khi phải chịu cảnh sống chung với nước. Thậm chí một số con đường bị nước "xóa đen", nước lên gần thắt lưng, hôi thối.
Với sự biến đổi khí hậu ngày một nhanh, việc triều cường năm sau cao hơn năm trước đã được dự báo. Trên thực tế, đỉnh triều đã tăng dần qua từng năm từ 1,58 m năm 2011, lên 1,62 m năm ngoái và nay đã thành 1,68 m. Trước sự dâng lên quá nhanh của triều, Chính phủ đã phê duyệt dự án 1547 đầu tư xây dựng đê bao và xây cống kiểm soát triều từ năm 2008 nhưng đến nay công trình này vẫn ì ạch.
"Dự án 1547 làm tuyến đê bao khép kín từ giáp ranh Tây Ninh, bọc xuống Nhà Bè về Long An với hơn 176 km đê bao và 13 cống kiểm soát triều lớn (30 m) và vài trăm cống nhỏ. Đến nay dự án mới triển khai được một cống lớn ở Nhiêu Lộc - Thị Nghè, còn lại vẫn đang bế tắc do tình hình kinh tế khó khăn", ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM cho biết.
Theo ông Long, hiện nay Trung tâm chống ngập và cơ quan chức năng TP HCM đã làm nhiều giải pháp nhưng chỉ là tạm thời để kiểm soát triều cường như đặt 1.200 van ngăn triều tại các cửa xả, bố trí 40 trạm bơm công suất 1.000 m3 một giờ đến 8.000 m3 một giờ.
Với hệ thống đê bao hiện có cộng với những biện pháp tình thế trên thì theo Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM, thành phố chỉ chống đỡ nổi các con triều có đỉnh không quá 1,6 m. Cụ thể, vào tối 20/10, thành phố có đến 10 điểm ngập do triều cao hơn 1,6 m kết hợp mưa.
"Giải pháp tạm chỉ là giải pháp tạm, khi nào dự án 1547 làm xong, cơ bản mới kiểm soát được triều cường. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai, đốc thúc các địa phương, quận huyện gia cố tuyến đê hiện có để đối phó triều. Còn dự án 1547 chỉ có vốn mới có thể tiếp tục làm", ông Long nói.
Riêng về đường Hòa Bình, nơi ngập nặng nhất trong những ngày qua, ông Long cho biết đã gửi hơn 50 văn bản, thành phố cũng gửi cả chục văn bản yêu cầu đơn vị đầu tư, thi công Dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm có biện pháp dẫn dòng để tránh ngập các khu vực xung quanh nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Về vấn đề ngập thành phố, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường - Lê Huy Bá cho rằng TP HCM là đô thị bán ngập triều, vì vậy bài toán làm đê bao chống ngập là không hề đơn giản.
"Một điều cần chú ý là chúng ta đã phát triển sai hướng, phát triển về hướng Đông Nam thành phố với đô thị Phú Mỹ Hưng, Hiệp Phước, Nhà Bè sẽ khiến ngập nặng hơn do những vùng đó trước đây đóng vai trò như hồ điều tiết nước của thành phố", ông Bá phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia ngập này còn khẳng định chính tình hình bê tông hóa, san lấp kênh rạch là một trong những nguyên nhân dìm nhiều khu vực xuống biển nước, tính toán của ông Bá, hiện có hơn 20% kênh rạch bị lấp.
Biện pháp trước mắt theo ông Bá là cần làm những hồ điều tiết, xem xét hướng dòng chảy để làm hồ điều tiết trữ nước mỗi khi có mưa, triều cao. Cơ quan chức năng TP HCM cũng đang nghiên cứu, lập quy hoạch xây các hồ điều tiết phân tán để hạn chế tình hình ngập úng.
Những năm qua, TP HCM đã xây dựng, hoàn thành nhiều công trình chống ngập quan trọng như dự án Vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc Thị Nghè, Cải thiện môi trường nước... và xây dựng nhiều hệ thống cống giúp giảm ngập tại các khu vực trung tâm thành phố Dự án 1547 - Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng tại TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư hơn 11.530 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cùng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM chủ trì. Dự án sẽ giúp kiểm soát triều, hạ thấp mức nước các trục quanh bờ hữu ven sông Sài Gòn - Nhà Bè, kiểm soát triều ở khu vực ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai với các giải pháp kiểm soát lũ thượng lưu và nước biển dâng bằng cách xây tuyến đê bao, 13 cống kiểm soát triều lớn, cải tạo 9 trục thoát nước. Tới tháng 8, dự án đã tăng vốn lên gần 50.000 tỷ đồng. |
Kiên Cường