Sáng nay, trao đổi với VnExpress, ông Vương Duy Toàn, phó giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé từ 20 đến 60%. Trong số này tăng nhiều nhất là hãng Hải Vân-Đà Nẵng tăng từ 380.000 lên 610.000 đồng áp dụng từ ngày 31/1 đến 15/2, nhà xe Thuận Phát (Nam Định) tăng từ 70 đến 100 nghìn đồng từ 29/12 đến 2/1/2014 và 21/1-9/2/2014...
"Chưa năm nào tăng cao như năm nay, có thể ngoài việc số lượng hành khách tăng đột biến, chiều về của các tuyến chạy rỗng còn do ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu vừa qua", ông Toàn lý giải.
Ông Toàn cũng cho biết thêm, việc tăng giá phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản, nơi các doanh nghiệp đăng ký, ví dụ như hãng xe Thuận Phát, đăng ký và được sự đồng ý của sở Tài chính Nam Định nên bến xe chỉ có nhiệm vụ bán vé, còn việc ngăn chặn tăng giá vé vượt quá thẩm quyền.
Cũng theo vị lãnh đạo bến xe Giáp Bát, dự kiến ngày Tết lượng hành khách đổ về bến tăng 20 – 50% so với ngày thường, đặc biệt sẽ tập trung đông vào 3 ngày 23, 26 và 28 âm lịch, do đó để đảm bảo lưu thông bến sẽ tăng cường thêm 150 – 200 lượt xe/ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, hiện bến đã có 9 doanh nghiệp đăng kí tăng giá vé nhưng với mức tăng cao nhất chỉ tới 18%. Cụ thể, doanh nghiệp tăng ít nhất là Công ty TNHH Văn Minh tăng hai tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, Hà Nội - Vinh từ 220.000 đồng lên 230.000 đồng (tương đương 5%).
Doanh nghiệp tăng nhiều nhất là Công ty TNHH Tuấn Việt chạy tuyến Mỹ Đình - Đô Lương nâng từ 170.000 đồng - 200.000 đồng (tương đương 18%). Các doanh nghiệp khác chủ yếu tăng ở mức 12 - 13%.
Các hãng xe tại bến Mỹ Đình năm nay tăng nhẹ giá vé là do chủ yếu chạy các tuyến ngắn, hơn nữa ngày càng có nhiều doanh nghiệp tăng cường thêm xe vào dịp Tết nên một phần đã giảm tải được số lượng hành khách. Tuy nhiên, trước khi các doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé, bến đã khuyến cáo không nên tăng quá cao để tránh phản ứng không tốt từ phía hành khách.
Để tránh tình trạng bị bắt chẹt, nhồi nhét và thu quá giá quy định, ông Tuấn cũng khuyến cáo hành khách khi vào bến nên mua vé để được đảm bảo những quyền lợi tối thiểu và bến sẽ có những căn cứ xử lý nhà xe vi phạm.
Trong khi đó, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết, việc tăng giá vé tàu được chia ra các giai đoạn. Giai đoạn đầu từ14-19 tháng Chạp âm lịch, giá vé tàu chiều chẵn tăng 6%. Từ ngày 20-29 Tết, giá vé tàu mác chẵn tăng 10% đối với ghế ngồi, tàu mác lẻ tăng 2% và từ ngày 30, mùng 1, 2, 3 Tết, giá vé tăng 6% các loại ghế ngồi ở tất cả các mác tàu chẵn và lẻ.
Từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng âm lịch, giá vé tàu tăng bình quân 10% áp dụng từ với chiều chạy tàu có số lẻ, còn tàu mác chẵn tăng 2%...Riêng giá vé giường nằm cho các chặng vẫn được giữ nguyên. Lý giải về việc tăng này, đại diện công ty vận tải đường sắt Hà Nội cho rằng do căn cứ vào lịch chạy tàu lệch đầu, việc chạy rỗng tàu gây tốn kém chi phí nên buộc phải tăng giá vé để bù lỗ.
Bá Đô