Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM, với diện tích hơn 485 ha. Tổng số vốn đầu tư cho dự án lên đến 500 triệu USD và được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Với các khu chức năng: Khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; Khu trưng bày thú mở bao gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm; Các công trình dịch vụ khác phục vụ du khách như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...
Đặc thù chính của công viên Sài Gòn Safari là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái. Dự kiến sẽ tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động thực vật trong nước và các châu lục khác trên thế giới. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ nuôi dưỡng khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con, 3.000 loài thực vật (bao gồm luôn cả cây cảnh, cây xanh, dây leo)…
Để thực hiện dự án, tháng 6/2004, UBND TP HCM ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.
Tính đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp, dự án chậm triển khai khiến người dân rất bức xúc. Bên cạnh đó, quá trình bồi thường phát sinh nhiều vấn đề mà theo người dân là không công bằng nên còn nhiều hộ tiếp tục khiếu nại cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án vẫn án binh bất động suốt hơn chục năm qua.
Theo ghi nhận của VnExpress ngày 13/6, khu vực được quy hoạch thành công viên Sài Gòn Safari dù đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và dấu tích của những căn nhà đã đập bỏ... Một số khu vực, người dân vào trồng trọt các cây hoa màu ngắn ngày hoặc chăn thả trâu bò.
Ông Đoàn Văn Xuân (ngụ ấp Bầu Đưng, xã An Nhơn Tây) cho biết, hàng trăm ha đất nằm trong quy hoạch công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang suốt 11 năm qua khiến ai cũng sót và không biết đến bao giờ dự án mới được khởi công. "Nếu dự án không thực hiện được thì thành phố nên trả đất lại cho người dân canh tác, chứ để đất hoang hơn chục năm trời quá lãng phí", ông Xuân nói.
Trước bức xúc của người dân, đặc biệt là những hộ bị thu hồi đất, cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã họp các sở ngành liên quan và UBND huyện Củ Chi để tìm hướng giải quyết cho dự án mang tầm cỡ khu vực và thế giới, đã được thành phố quan tâm và dành khu đất lớn để xây dựng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu Chánh thanh tra thành phố chủ trì làm việc với các đơn vị có trách nhiệm thực hiện dự án để xem xét lại toàn bộ nội dung khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại và kết quả giải quyết. Đồng thời, thanh tra thành phố cũng được giao kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai dự án, để tình trạng tái lấn chiếm đất diễn ra phức tạp và báo cáo thường trực UBND thành phố ngay trong tháng 6 này.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu mô hình liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontouris) và Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn để triển khai ngay dự án Công viên Sài Gòn Safari trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố và Sở Tài chính cũng đươc giao cân đối, giải quyết kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án theo chủ trương của thành phố đã được duyệt.
Trung Sơn