Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 13/6, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc trò chuyện với 15 thuyền trưởng tàu cá vừa từ Hoàng Sa trở về và lắng nghe nguyện vọng trước chủ trương hỗ trợ đóng tàu sắt vươn khơi xa.
Nói lên tâm tư của nhiều ngư dân, ông Lê Văn Lễ (quận Thanh Khê, chủ tàu cá ĐNa 90352) bày tỏ mong muốn ra khơi bằng tàu gỗ như hiện tại, hơn là bỏ khoảng 7 tỷ đồng đóng tàu sắt.
"Số tiền đó với ngư dân là quá lớn", ông Lễ than, Nhà nước có hỗ trợ thì trước sau người dân vẫn phải trả nợ, cộng thêm chi phí bảo dưỡng tàu vỏ sắt cao hơn 4-5 lần tàu gỗ. "Đóng tàu sắt người dân sẽ yên tâm hơn và tránh được rủi ro nếu gặp tàu Trung Quốc đâm va. Nhưng vấn đề là tìm được đầu ra ổn định cho những con cá chúng tôi đánh bắt được. Tàu công suất lớn sẽ cho sản lượng nhiều nhưng rất dễ rơi vào cảnh được mùa mất giá", ông Lễ nêu thực trạng.
Đồng quan điểm, thuyền trưởng Trương Công Vinh (tàu ĐNa 90304) cho biết, bốn năm trở lại đây, giá hải sản liên tục bị ép, đã hạ đến bốn lần. "Trước đây chúng tôi ra khơi mỗi năm 8 chuyến, cá ngừ bán được 40.000 đồng mỗi kg. Nay giá cá rớt xuống 10.000 đồng mỗi kg, ngư dân chỉ còn ra khơi hai chuyến mỗi năm. Nhiều người thu nhập bấp bênh, chưa kể hiểm nguy xảy ra bất cứ lúc nào", ông Vinh nói.
Đóng tàu sắt không đơn giản là việc làm trước mắt nhằm đối phó tàu Trung Quốc, mà là một chiến lược dài hơi, ông Vinh phân tích và dẫn chứng chuyển sang tàu sắt ngay lập tức sẽ khiến hàng nghìn tàu gỗ nằm bờ do không đủ nhân lực đi biển. Người không có tiền đóng tàu sắt sẽ đứng đường vì thất nghiệp. Nếu Nhà nước bỏ tiền đóng tàu, ngư dân được thuê lại chắc chắn sẽ hào hứng hơn và sẵn sàng chịu phí duy tu, bảo dưỡng.
"Ngư dân chúng tôi cần được Nhà nước tìm thị trường đầu ra để giá cá ổn định. Ngư dân làm ăn có lãi sẽ tấp nập ra ngư trường, tương trợ nhau bám biển. Liên tục bám ngư trường truyền thống thì mới có thể theo dõi mọi hành động của Trung Quốc, phối hợp với cơ quan chức năng giữ chủ quyền của Tổ quốc", ông Vinh nói và cho biết thời gian qua số tàu cá của ngư dân ở Hoàng Sa giảm đã tạo cơ hội cho nhiều tàu cá Trung Quốc lấn biển bất hợp pháp.
Kết lại buổi nói chuyện với ngư dân, Phó thủ tướng cho hay Chính phủ đã và đang có chủ trương hỗ trợ, nhưng Nhà nước không thể bỏ tiền mua cá giá cao mà cần phải theo giá thị trường. Đi làm việc nhiều nơi trên thế giới, lãnh đạo Chính phủ đều đề nghị được xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, giữa ngư dân, người nông dân và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ để ổn định thị trường, giúp việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Chủ trương đóng tàu vỏ sắt là hướng đến lợi ích của người dân, giúp ngư dân an toàn, yên tâm ra ngư trường.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đến thăm Tổng công ty đóng tàu Sông Thu (Bộ Quốc phòng) và động viên lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư.
Đoàn công tác của Phó thủ tướng cũng có buổi làm việc với 14 tỉnh thành duyên hải miền Trung để bàn phương án đóng tàu sắt cho ngư dân. Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ vỏ thép đóng mới, chủ tàu được vay vốn thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất ưu đãi 5%/năm. Trong đó, chủ tàu chỉ phải trả 1% lãi suất, 4% còn lại do nhân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại.
Các tàu hậu cần đóng mới vỏ gỗ cũng được vay tối đa 85% tổng giá trị đầu tư với cùng lãi suất 5%/năm và chỉ phải trả 2%/năm lãi suất. Còn với các tàu khai thác hải sản xa bờ nếu đóng mới vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư, gồm cả ngư lưới cụ với lãi suất 5%/năm. Chủ tàu trả 2%/năm lãi suất tiền vay và ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 3%/năm.
Ngư dân tham gia chương trình sẽ được vay vốn trong 10 năm và được ân hạn một năm không tính lãi suất. Ngoài ra, các chủ tàu sẽ được hỗ trợ mua bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, chi phí bảo trì sửa chữa, hỗ trợ đào tạo thuyền viên.
Nguyễn Đông