Trước việc nhiều trận động đất khoảng 2 độ richter xảy ra xung quanh thủy điện Đăkđrinh nằm trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) và huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), ngày 14/4, đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu do PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia động đất làm trưởng đoàn đã về khảo sát thực tế tại đây.
Sau khi kiểm tra hiện trường, các chuyên gia nhận định, vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh có nền đá Gnây, Granit biến chất, giòn, dễ dập vỡ. Ông Triều lý giải, khi tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt trượt gây ra hiện tượng động đất kích thích ở đây tương tự như ở thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Theo kết quả đánh giá động đất giai đoạn thiết kế công trình thủy điện Đăkđrinh do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đưa ra là có thể chịu động đất cực đại 5 độ richter. "Những trận xảy ra ở khu vực hồ chứa thủy điện này hồi cuối tháng 2 là động đất kích thích cấp 3, 4 (tương đương khoảng 2 độ richter). Muốn biết thời gian tới có xảy ra động đất với cường độ mạnh hơn hay đới dập vỡ có liên kết với đới đứt gãy nào đang hoạt động hay không thì cần tiếp tục nghiên cứu", ông Triều nói.
Trong văn bản gửi huyện Kon Plông (Kon Tum) và Sơn Tây (Quảng Ngãi), lãnh đạo công ty CP thủy điện Đăkđrinh thừa nhận, từ sau ngày tích nước lòng hồ công trình vào tháng 10/2013 đến nay đã có 10 lần rung chấn kèm theo tiếng nổ, những lần khác là do người dân nổ mìn đánh cá. Nếu xảy ra động đất theo thiết kế tính toán ứng với xác suất vượt quá 10% trong vòng 50 năm (ứng với chu kỳ lặp lại 475 năm) là cấp 5 thì vẫn không ảnh hưởng đến công trình và đời sống người dân khu vực dự án.
"Hiện tượng rung chấn sẽ giảm dần theo thời gian và chấm dứt khi ứng suất nền khu vực lòng hồ ổn định sau nửa năm tích nước", ông Đặng Hữu Thắng, Phó giám đốc công ty CP thủy điện Đăkđrinh trấn an.
TS Lê Văn Dũng, chuyên gia động đất Viện Vật lý địa cầu, khẳng định, rõ ràng đã có nhiều trận động đất kích thích xảy ra ở khu vực vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. "Động đất và mìn nổ ở vùng lòng hồ thủy điện máy gia tốc sẽ dễ dàng ghi nhận, phân biệt được. Mìn nổ thì dao động trong nước không thể truyền rung chấn đi xa còn động đất xảy ra thì dao động nền trong mặt đất mới truyền rung chấn đi xa được", TS Dũng phân tích.
Giáo sư Triều cho hay, lâu nay các nhà khoa học ít quan tâm nghiên cứu động đất xảy ra ở địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đến khi xảy ra dồn dập ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) thì nơi đây mới được quan tâm đầu tư lắp đặt trạm quan trắc động đất. Còn Quảng Ngãi thì vẫn chưa được lắp đặt trạm nào.
"Chúng ta cần lấy bài học từ thủy điện Sông Tranh 2 để nghiên cứu, tính toán kỹ vấn đề động đất kích thích sau khi tích nước lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn tính mạng người dân", ông Triều cảnh báo.
Công trình thủy điện Đăkđrinh có công suất 125 MW, tổng vốn đầu tư là 3.423 tỷ đồng. Tổng diện tích lòng hồ của công trình là 900 ha, trải dài qua 2 huyện Kon Plông và Sơn Tây với dung tích hồ chứa lên đến 248 triệu m3. Hiện dung tích hồ chứa đã tích đủ nước, dự kiến đến cuối tháng 4 này sẽ chính thức phát điện.
Trí Tín