"Cuối cùng thì tàu ngầm Trường Sa mini có thể giữ cân bằng và nổi lên, lặn xuống trong bể nước", doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết. "Bây giờ con tàu đã sẵn sàng chạy thử ở bất cứ đâu", ông Hòa tự tin khẳng định.
Theo ông Hòa, khó khăn nhất là giữ tàu trong bể nước vì "bể quá chật, nên rất sợ tàu phá vỡ bể lao ra ngoài". Sau khi khắc phục lỗi kỹ thuật, tàu ngầm mini đã được cố định trong bể, nổi lặn nhịp nhàng. Để có kết quả trên, ông Hòa đã thử nghiệm và khắc phục sai sót hàng chục lần suốt một tuần qua.
Hôm qua, ông cùng các đồng nghiệp cho tàu chạy thử lần nữa và kết quả khả quan. "Hệ thống khí tuần hoàn AIP vận hành tốt, điều này cho thấy tàu ngầm đã thử nghiệm thành công", ông Hòa nói.
Trong bể thử nghiệm được bơm đầy nước, có 4 cọc sắt giữ con tàu không tiến lên hay lùi xuống và nhất là không lao ra khỏi bể. Khoang vận hành của tàu mini chỉ được thiết kế cho một người ngồi và điều khiển toàn bộ hoạt động của con tàu. Bên trong có hàng chục van, nút điều khiển, đồng hồ theo dõi.
Thử nghiệm lúc đầu gặp trục trặc khi lặn xuống sâu do sợi xích dùng để cố định quấn chặt phần đầu tàu ngầm, đội kỹ sư phải mất thời gian để cắt sợi xích. Khắc phục khó khăn này, con tàu đã nổi lên lặn xuống nhịp nhàng. Khi bắt đầu khởi động động cơ, tiếng máy kêu khá lớn. Bánh chân vịt hướng sang trái, sang phải theo ý muốn của người điều khiển.
Doanh nhân trên chia sẻ, sau Tết Nguyên đán ông sẽ tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện tàu trơn tru cả về kỹ thuật lẫn hình thức bên ngoài. "Thử nghiệm trong bể rất khác so với khi vào thực tế, vì vậy, tôi muốn chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rồi mang ra biển chạy thử", ông Hòa cho hay.
Chiều 6/1, ông Hòa đưa tàu vào bể thử nghiệm sau khi chế tạo hoàn thiện. Chiếc bể được chính ông thiết kế với chiều sâu 4,5 m, dài 10 m và ngang 3,7 m. Tàu ngầm có chiều dài 9 m, cao 3 m, được trang bị 2 động cơ diezel 90 Hp, hoạt động bằng Hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP). Tốc độ thiết kế tối đa là 40 km/h; bán kính hoạt động 800 km; thời gian lặn 15 giờ; độ sâu lặn tối đa 50 m.
Hương Thu