Phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh ngày 31/12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các thành viên hội đồng phải suy nghĩ khi hàng loạt chỉ số phản ánh sức cạnh tranh yếu kém của Việt Nam được Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra.
Trong báo cáo Môi trường kinh doanh của WB năm 2013, nhiều chỉ số của Việt Nam xếp vị trí rất thấp trong tổng số 185 nước được khảo sát như Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (vị trí 169), Xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (149), Nộp thuế (138)...
Vị thế của Việt Nam nhìn chung trong các báo cũng chung tình trạng xếp hạng rất thấp trên thế giới và trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN nhưng lại chậm được cải thiện, thậm trí có xu hướng giảm.
"Cái nào xếp thứ từ 80 trở lên là phải suy nghĩ, những cái xếp thứ trên 100 đến trên 130 thì phải là trọng điểm để cải thiện trong thời gian tới đây", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng.
Lý giải về chỉ số thuế đứng thứ 138, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung cho hay, nguyên nhân năng lực cạnh tranh thấp là bởi các nước phát triển mạnh đại lý thuế, hải quan thay mặt doanh nghiệp giao dịch khiến thời gian và tranh chấp giảm đi. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển (Ủy viên Hội đồng) lập tức phản bác. Theo ông Tuyển, các đại lý không phải nguyên nhân quan trọng khi mà có những dẫn chứng cụ thể về việc cơ quan thuế... không muốn thu.
"Có chuyện có người nhập khẩu một lô hàng, thuế môi trường mất có vài trăm nghìn đồng nhưng phải mất gấp đôi số ấy mới nộp được thuế. Thuế ít quá nên cơ quan thuế không muốn thu vì mất thời giờ, doanh nghiệp phải đút mất mấy phong bì mới nộp được thuế. Như thế thì làm sao cải thiện được môi trường kinh doanh?", ông Tuyển nói.
Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày đề án về xây dựng chỉ số và năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều thành viên hội đồng đã không nhất trí. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng "nên quên đề án" này đi vì không ai tự đo mình. Còn Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định, Việt Nam phải dùng thước đo toàn cầu trong hoàn cảnh cạnh tranh với toàn cầu.
Ông Bình đề xuất ý kiến, thước đo cạnh tranh phản ánh môi trường rộng và toàn diện. Việt Nam muốn cạnh tranh phải dựa vào sức mạnh cốt lõi - sức mạnh mà một quốc gia khác có muốn cũng không được hoặc nếu có được phải tốn rất nhiều tiền và thời gian. Ví dụ, Việt Nam có Vịnh Hạ Long - kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới.
"Chúng ta cần tạo ra sân đua, Hội đồng nên đưa ra ý kiến nên chọn sân đua nào, như sân chơi nông nghiệp có nhiều thuận lợi. Nếu chọn đúng thì mới cạnh tranh toàn cầu được”, ông Bình nói
Tán thành với các ý kiến, Phó thủ tướng khẳng định, Việt Nam không cần phải xây dựng chỉ số riêng mà lấy ngay hai chỉ số của WB và Diễn đàn kinh thế giới. Điều quan trọng là trong thời gian tới phải xem thế giới đánh giá mình có đúng không.
"Tại sao trong số các chỉ tiêu, có cái thứ hạng cao như giấy phép xây dựng, nhưng có chỉ số rất tệ như tiếp cận thuế. Chính phủ, người dân không thể chấp nhận được điều này", ông Đam nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh, muốn nâng cao sức cạnh tranh và có bước đi đột phá thì cần bảo vệ được quyền lợi nhà đâu tư, từ cổ đông nhỏ đến các nhà đầu tư tư nhân. Hiện, hơn 600.000 doanh nghiệp là thành viên hiệp hội bị dồn ép do phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp này thường liên kết để đè bẹp doanh nghiệp Việt Nam bất chấp môi trường hay đạo đức kinh doanh.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn phát triển bền vững thì phải nâng cao sức cạnh tranh. Từng Bộ, ngành không thể cùng một lúc xác định và làm được hết, có chỉ tiêu trong một năm đạt được, tăng bậc nhưng cũng có chỉ tiêu như giáo dục, cơ sở hạ tầng phải mất nhiều năm.
Ngay trước Tết Nguyên đán, Hội đồng sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng. Dựa trên các chỉ số cạnh tranh này giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành đánh giá sâu hơn, để cuối năm 2014 nâng cao và cải thiện. “Sau khi Thủ tướng ban hành quyết định thì các Bộ, ngành căn cứ vào đó để thực hiện. Phải chỉ rõ từng chỉ số, người chịu trách nhiệm cao nhất là Bộ trưởng”, Phó thủ tướng nói.
Nguyễn Hưng