Trong buổi đối thoại về vấn đề lao động việc làm với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét bỏ quy định giới hạn số giờ làm thêm, tăng giờ làm thêm lên thành 360-400 giờ mỗi năm.
Lý do đưa ra là quy định giờ làm thêm của Việt Nam ở mức 200-300 giờ hiện nay là thấp, gây nhiều khó khăn cho việc sản xuất. Mặt khác, lao động Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, năng suất lao động chưa cao, đòi hỏi phải làm thêm giờ mới đáp ứng được việc sản xuất. Các doanh nghiệp xin tăng giờ làm thêm chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may, chế biến nông lâm thủy sản.
Trước đó, Hội các doanh nghiệp Nhật Bản, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam từng đề xuất tăng giờ làm thêm.
Trao đổi với VnExpress, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, Bộ Lao động cho hay, hiện nay Bộ luật lao động quy định giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 4 giờ mỗi ngày, 30 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ đối với sản xuất gia công xuất khẩu sản phẩm da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản; cung cấp điện, cấp thoát nước; các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. Quy định như vậy là phù hợp.
Việc hạn chế giờ làm thêm, ngoài căn cứ vào xu hướng chung của quốc tế, các nước trong khu vực thì thể chất của người Việt cũng không đủ đáp ứng để tăng số giờ làm thêm quá nhiều. "Trên thế giới hiện nay, giảm giờ làm là xu hướng chung được nhiều tổ chức, quốc gia ủng hộ do tác động tiêu cực của việc làm nhiều giờ tới sức khỏe của người lao động. Việt Nam cũng đang xây dựng một lộ trình cụ thể, nhưng sẽ mất một thời gian dài vì còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước", ông Thắng nói.
Theo Cục trưởng Thắng, ngoài công việc, người lao động còn có các nhu cầu như giải trí, chăm sóc gia đình... để cân bằng cuộc sống và tái tạo sức lao động. Việc đề nghị tăng giờ làm thêm chỉ có ý nghĩa cơ học, tăng số lượng sản phẩm nhưng năng suất lao động lại giảm. Tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động không chịu đựng nổi, dẫn đến suy kiệt sức khỏe, chưa kể khả năng dinh dưỡng cho người lao động còn đang bị hạn chế.
Về ý kiến thời gian làm việc, làm thêm cao, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam vẫn thấp, đại diện Bộ Lao động cho rằng điều này không phải do lỗi chỉ ở người lao động mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như môi trường làm việc khác nhau, doanh nghiệp có trang bị máy móc hiện đại hay không.
Người đứng đầu Cục An toàn lao động cho rằng, thay vì xin tăng thêm giờ làm, các doanh nghiệp nên đầu tư thiết bị máy móc sản xuất để người lao động làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng suất. "Nếu chỉ đáp ứng nguyện vọng một phía cho doanh nghiệp thì sẽ thiệt thòi cho người lao động. Áp lực làm việc, làm thêm càng lớn thì xảy ra tai nạn lao động càng cao", ông nói.
Việc tăng giới hạn giờ làm thêm từng được Bộ Lao động đưa ra bàn thảo trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động vào năm 2012 với đề xuất tăng lên thành 360. Nhưng trong quá trình xin ý kiến rộng rãi các bộ ngành và tầng lớp nhân dân thì có nhiều ý kiến cử tri, chuyên gia phản đối. Xem xét dưới nhiều góc độ, Quốc hội quyết định không tăng giới hạn giờ làm thêm.
Thanh Hòa