Ngày 5/4, ông Trương Văn Huyền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, trước tình trạng cá chết ở sông Âm, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài nguyên, Công an huyện và chính quyền địa phương đã đi thực địa. Đoàn phát hiện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vận tải Tuấn Vinh, đóng tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến, lắp đặt đường ống ngầm xả nước thải từ đáy bể phản ứng đấu nối vào ống cấp nước thô xả ra sông Âm.
Ngoài ra, công ty Tuấn Vinh (sản xuất đũa, bột giấy, giấy vàng mã) còn đào thêm 2 ao chứa nước thải tại góc phía Nam của nhà máy, diện tích khoảng 400 m2, chiều sâu một mét. Kiểm tra ao chứa cho thấy, doanh nghiệp này chỉ lót thành, đáy bằng bạt nylon, không có khả năng chống thấm nước. Nước thải hiện đầy ao chứa và thấm vào nền đất, thấm về mương thoát bên cạnh. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu nước thải tại bể phản ứng đưa đi phân tích.
Theo kết luận, thời điểm kiểm tra không phát hiện công ty xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã lắp đặt đường ống khác để xả nước thải không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường, không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, không đúng quy định về bảo vệ môi trường…
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ toàn bộ đường ống xả nước thải chôn ngầm và phải hoàn thành trong ngày 5/4; dừng ngay việc bơm nước thải vào ao chứa tạm, bơm nước thải trở về hồ sinh học để xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật; khẩn trương khắc phục vi phạm theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
“Việc cá chết bất thường trên sông Âm do tác động của nước thải công nghiệp”, ông Huyền cho hay.
Ông Ngô Văn Huỳnh, Giám đốc Công ty Tuấn Vinh thừa nhận hành vi xả thải ra môi trường và ký vào biên bản kiểm tra. Tuy nhiên, ông Huỳnh lý giải, công ty thuê đơn vị tư vấn lắp đặt các đường ống và vận hành hệ thống xử lý nước thải, nhưng do sơ suất trong quá trình giám sát nên để xảy ra sai sót.
Hai ngày nay, nước sông Âm đoạn qua xã Vân Am (Ngọc Lặc, Thanh Hoá) bất ngờ chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối sau đó xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi khắp mặt sông. Hiện tượng cá chết được ghi nhận ở nhiều khu vực như làng Tró, Giỏi Thượng, Giỏi Hạ, làng Đắm… và kéo dài cả chục km.
Huyện Ngọc Lặc yêu cầu người dân các xã Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh, Nguyệt Ấn, Phúc Thịnh không ăn cá chết hoặc cho gia súc, gia cầm ăn; không sử dụng nguồn nước từ sông Âm để sinh hoạt và tưới cây trồng. Phòng Tài nguyên và Trạm Thú y đã lấy mẫu nước, xác cá chết đưa đi kiểm nghiệm.
Đây là lần thứ ba xuất hiện tình trạng cá chết trên sông Âm. Cuối tháng 7/2016, người dân xã Giao An (huyện Lang Chánh) từng phát hiện cá tự nhiên chết hàng loạt. Cả trăm con vịt của người dân xã Giao An sau khi ăn cá cũng lăn ra chết.
Ngày 22/2/2017, nước sông Âm đoạn chạy qua huyện Ngọc Lặc cũng đổi màu đen đục, có mùi hôi khác thường sau đó xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Hiện tượng cá chết trải dài hơn 10 km từ làng Tró (giáp với xã Giao An, huyện Lang Chánh) đến khúc sông qua xã Vân Am.
Sở Tài nguyên Thanh Hóa kết luận, nguyên nhân cá tự nhiên chết bất thường trên sông Âm hai lần trước đều là nguồn nước ô nhiễm bởi hoạt động xả thải từ các nhà máy chế biến lâm sản ở huyện Lang Chánh.
Lê Hoàng