Tại hội nghị đối tác, nhà tài trợ quốc tế bàn về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua hiện tượng thiên tai lịch sử do xâm nhập mặn và tình trạng này dự báo còn tiếp diễn với đỉnh điểm vào tháng 4.
Theo ông Phát, do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Me Kong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km.
Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn. Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang hơn 54.000 ha, Cà Mau gần 50.000 ha, Bến Tre gần 14.000 ha.
"Gần 300.000 hộ gia đình trong tháng qua không có thu nhập, mà mỗi hộ trung bình có 5 người, tức là 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa", Bộ trưởng Phát nói.
Đối với vụ hè thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.
Toàn vùng có 204.000 hộ gia đình với khoảng một triệu người không có nước ngọt để sinh hoạt, người dân phải mua giá 60.000-80.000 đồng/m3 nước. Nhiều nhà máy, trường học, khách sạn cũng trong tình cảnh tương tự.
"Có lẽ mọi người không nhất thiết phải ra Vũng Tàu để tắm biển mà có thể cảm thấy ngay độ mặn ở thành phố Bến Tre", Bộ trưởng nói và cho biết đã có 160 trong tổng số 164 xã ơ Bến Tre đã bị bao vây bởi nước mặn.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp hy vọng cuối tháng 4, đầu tháng 5 băng tuyết ở Trung Quốc tan nước chảy về sông Me Kong nhiều hơn sẽ đẩy lùi tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ở Việt Nam.
Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đang gánh chịu hạn hán do thiếu nước từ năm ngoái. Với Nam Trung Bộ, lượng nước tích trữ của các hồ chứa ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạt 30-50% dung tích thiết kế, khiến gần 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước. Dự kiến thời gian tới khoảng 40.000 ha đất lúa ở ba tỉnh này phải dừng sản xuất.
Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương đang trải qua đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm ngoái Ninh Thuận có 16.000 ha cây trồng dừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh và tổng thiệt hại do hán hán gây ra ước tính 250 tỷ đồng; hơn 25.000 khẩu của nhân dân thiếu nước sinh hoạt.
Đến năm 2016 hiện tượng hạn hán khốc liệt không kém. Đầu năm nay tổng lượng nước trong hồ chứa của Ninh Thuận chưa đến 40% dung tích thiết kế. Hiện hồ chứa chỉ còn khoảng 25% (50 triệu mét khối nước), hai hồ chứa khác đã cạn kiệt. Để khắc phục tình trạng trên, địa phương đã hỗ trợ gạo và nước ngọt cho người dân, đồng thời chuyển đổi gia súc ở nơi thiếu nước về nơi có nước.
Tây Nguyên cũng trong tình trạng tương tự khi các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt 50-60% dung tích thiết kế, khoảng 60 hồ chứa nhỏ ở tỉnh Đăk Lăk đã cạn nước.
Trước tình trạng trên, đại diện các địa phương đề nghị Trung ương và các tổ chức quốc tế giúp đỡ. Bộ trưởng Phát cho biết, trước mắt Chính phủ sẽ cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt lên nơi có thể chứa, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân. Các tổ chức quốc tế cũng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ Việt Nam.
Phạm Hương