Tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), hàng chục nghìn người đổ về khiến các tuyến đường hướng ra biển ùn tắc cục bộ. Bãi biển vào thời điểm sáng hoặc chiều tối luôn trong tình trạng dày đặc khách.
Thị xã Sầm Sơn có gần 12.000 phòng, trong đó có hơn 580 phòng VIP phục vụ nhu cầu của du khách hạng sang, tuy nhiên đa số đã kín chỗ từ trước dịp nghỉ 30/4. “Rất nhiều người đến hỏi phòng, nhưng không còn chỗ”, một chủ khách sạn trên đường Lê Hoàn nói và cho hay, lượng khách rất đông nhưng giá phòng chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.
Thời tiết nắng nóng cộng thêm tình trạng ùn ứ giao thông khiến nhiều du khách mệt mỏi sau chặng đường dài. “Nhóm chúng tôi gồm 7 người di chuyển từ Hà Nội đến Sầm Sơn cuối chiều qua, nhưng không thể thuê phòng, đành ngược về thành phố nghỉ”, anh Chương, du khách Hà Nội nói. Theo anh Chương, do chủ quan nên nhóm không liên hệ đặt phòng trước khiến kế hoạch nghỉ lễ bị xáo trộn.
Lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn cho hay, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Sầm Sơn đón khoảng 30.000 lượt khách.
Du khách ở biển Sầm Sơn sáng 1/5. Ảnh: Lê Hoàng. |
Số lượng khách đổ về Cửa Lò (Nghệ An) trong dịp lễ cũng rất đông. Ông Võ Văn Thọ, Trưởng phòng Văn hóa thị xã Cửa Lò, cho biết thống kê trong 5 ngày từ 27/4, có 144.000 lượt khách về biển Cửa Lò tham quan nghỉ dưỡng. Đông nhất là ngày 30/4, 57.000 lượt khách đã đến dự lễ khai hội biển với chủ đề "Sắc mới Cửa Lò". Từ đầu giờ chiều 30/4, hơn 15 km quốc lộ 46 từ thành phố Vinh đến Cửa Lò xuất hiện tình trạng ùn ứ do lượng phương tiện gia tăng đột biến.
Để phục vụ du khách, Cửa Lò có 270 khách sạn với 8.000 phòng. Trong đó khách sạn 4 sao có 200 phòng giá 1,5-2 triệu đồng/phòng, các phòng trung bình giá 500.000-1.000.000 đồng/phòng. Tuy nhiên, do lượng khách đổ về quá đông dẫn đến các khách sạn đều "cháy" phòng từ trước 27/4.
"Gia đình tôi từ Hà Nội vào du lịch Cửa Lò. Lo hết phòng nên từ giữa tháng 4 tôi đã đặt với giá 800.000/phòng. Nhìn chung các mặt hàng hải sản, dịch vụ tại Cửa Lò tốt, giá cả không quá cao", một du khách tên Tiến đánh giá.
Tuy nhiên, trong đêm 30/4, dịch vụ trông giữ xe tại bãi biển Cửa Lò đã tăng giá vé gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Giá giữ xe máy là 30.000-40.0000 đồng, ôtô là 100.000-150.000 đồng. Ông Võ Văn Thọ thừa nhận "giá vé xe trong đêm diễn ra lễ hội có tăng, nhưng nhìn chung du khách vẫn thoải mái".
Cuộc thi cứu hộ biển tổ chức sáng 1/5 tại công viên biển Đông, Đà Nẵng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Tại Đà Nẵng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, lượng khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 ước đạt 450.000, tăng hơn 10% so với năm ngoái. Có được con số ấn tượng này là nhờ thành phố tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vào hai tối 28 và 29/4. Để phục vụ du khách, các chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp này tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái, với 147 chuyến. Các chuyến bay nội địa từ 25/4 đến 4/5 cũng phải tăng tải.
Du khách đến Đà Nẵng chủ yếu theo hình thức tự tổ chức đi theo gia đình hoặc các nhóm riêng. Sau khi đến Đà Nẵng, khách mới mua tour tham quan tại Đà Nẵng, Hội An, Huế, hoặc mua từng dịch vụ riêng (phòng lưu trú, vé xem pháo hoa, vận chuyển…) chứ không mua tour trọn gói thông qua lữ hành. Hầu hết khách sạn đều "cháy phòng". Nhiều du khách dù đã mua được vé máy bay nhưng đành trả lại vì không thuê được phòng nghỉ lại Đà Nẵng.
Ông Lữ Bằng, Chi cục trưởng Quản lý thị trường Đà Nẵng, cho biết năm nay đường dây nóng nhận được ít phản ánh của người dân và du khách về việc bị tăng giá. Hiện mới ghi nhận có 3 khách sạn khách đã đặt cọc phòng, nhưng khi đến nhận thì không đúng với phòng đã thỏa thuận. Một công ty du lịch phải xin lỗi và hoàn trả vé cho khách hàng do tàu chở khách không xuất bến.
Trước khi diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa, Chi cục Quản lý thị trường đã xử phạt gần 170 khách sạn về an ninh trật tự, kinh doanh không đúng theo giấy phép đăng ký, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, riêng ngày 30/4 có gần 24.000 lượt khách đến tham quan quần thể di tích Huế. Ảnh: Đắc Đức. |
Tại Thừa Thiên - Huế, ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh, cho biết trong 6 ngày từ 28/4 đến 3/5 có khoảng 81.000 lượt khách trong và ngoài nước đăng ký lưu trú tại 542 khách sạn và cơ sở lưu trú. Các khách sạn trên địa bàn luôn trong tình trạng “cháy phòng” vì lượng khách đến đăng ký tăng đột biến.
Riêng tại quần thể di tích cố đô Huế, thống kê sơ bộ từ ngày 28 đến 30/4 có khoảng 50.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Các hoạt động như Tuần lễ vàng kích cầu du lịch tại Di sản Huế, chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế, trưng bày không gian triển lãm giới thiệu các hiện vật quý của triều Nguyễn… đã thu hút du khách.
“Chúng tôi đã cắt cử cán bộ các phòng ban phối hợp cùng phòng văn hóa công an tỉnh thường xuyên đi kiểm tra địa điểm kinh doanh du lịch nhằm đảm bảo các cơ sở này hoạt động đúng với mục đích đăng ký ban đầu”, ông Lê Ngọc Sanh nói và cho biết qua đường dây nóng, Sở này chưa nhận được phản hồi nào từ phía du khách về việc các dịch vụ du lịch bị đội giá.
Cùng với các hoạt động nghỉ dưỡng, rất nhiều du khách đã tranh thủ dịp nghỉ lễ đến viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Thượng úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội bảo vệ khu mộ đại tướng cho biết, trong 3 ngày 28-30/4, có hơn 100.000 lượt người đến thắp hương, viếng đại tướng. "Dự kiến hôm nay sẽ có hơn 40.000 lượt khách đến viếng. Chúng tôi tăng cường lực lượng để hướng dẫn người dân, du khách thăm viếng thuận lợi, đồng thời đảm bảo tối đa an ninh trật tự”, thượng úy Hào thông tin.
Ảnh: Du khách chờ đợi nhiều giờ để lên phà tới Cát Bà
Nhóm phóng viên