Chỉ vào chiếc máy xúc đặt cạnh gốc cây đa hơn 500 tuổi mới được công nhận là cây di sản ở gần cửa ra vào phía hông đình La Phù (xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), cụ Đường (80 tuổi) bảo, hơn một tháng qua xã đã tiến hành dự án xây dựng công trình cải tạo nâng cấp chợ La Phù.
Báo cáo của xã cho thấy, chợ sẽ được xây hai cầu chợ trên tổng diện tích cải tạo gần 500 m2, lắp biển chợ bằng khung thép, lợp mái tôn, bê tông xi măng nền... Để thực hiện công việc này, người ta đã mang cát, gạch, máy xúc... chất đống gần khu vực đình, kết hợp rác thải của chợ, làm ô nhiễm môi trường.
Cụ Đường và hơn 200 bô lão trong xã rất bức xúc trước việc làm mới chợ. Theo các cụ, những năm 80 của thế kỷ trước, ban khánh tiết đình - chùa La Phù cho nhân dân trong xã mượn khu đất giếng phía Nam của đình, tiếp giáp phía Đông chùa làm chợ tạm. Quy mô chợ khi đó còn khá nhỏ nhưng dần dần bị mở rộng.
Đến nay, bước chân ra khỏi 2 phía cửa đình là ngổn ngang hàng quán, lều bạt căng phủ cả lên mái miếu nhỏ cạnh gốc đa cổ thụ, che kín biển di tích lịch sử đã xếp hạng của đình. "Chợ cũ đã làm mất cảnh quan di tích, giờ xã lại muốn đóng cọc sắt, dựng mái tôn lên để nhiều người được kinh doanh hơn, sẽ càng gây ảnh hưởng. Khói lò than trước đây đã làm chết một cây đa cổ gần đình rồi. Nếu cứ họp chợ, đổ nền bê tông dày, cây đa 500 tuổi bên cửa đình cũng sẽ dần mà chết mất. Chúng tôi kiến nghị di dời khu chợ tạm này đi", một cụ ông khác nói.
Kiến nghị với xã không được, hơn 200 thành viên ban khánh tiết đình chùa La Phù làm đơn "kêu cứu" lên Sở, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ngày 23/10, Sở Văn hoá Hà Nội gửi công văn hồi đáp, trong đó nêu: "Khu chợ tạm hiện nay nằm trong khu vực bảo vệ của di tích, yêu cầu UBND huyện Hoài Đức và xã La Phù đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích và khu vực xung quanh di tích".
Kết luận của Sở Văn hoá Hà Nội, theo Phó chủ tịch xã La Phù, ông Dư Quốc Bảo là "không sai nhưng không nắm được những bất cập của hồ sơ di tích". Ông Bảo cho rằng, bản đồ khoanh vùng khu di tích được công nhận năm 1988 đã có sự chồng lấn, không phù hợp với khuôn viên hiện nay. Bản đồ vẽ "thừa" diện tích đất ở của một số hộ dân đã sống tại đó từ lâu và "bỏ sót" phần quan trọng của di tích là hồ nước nhỏ được coi là miếng ấn hòn ngọc.
Ông Dư Quốc Bảo cho biết thêm, UBND xã La Phù và Phòng Văn hoá huyện Hoài Đức không hề có hồ sơ lưu về di tích. Chỉ đến khi người dân kiến nghị và Sở Văn hoá Hà Nội về thanh tra (tháng 10/2014), xã mới tìm hồ sơ gốc để đối chiếu. Tuy nhiên, công trình xây dựng và cải tạo chợ La Phù đã được xã lên kế hoạch từ tháng 11/2013 và UBND huyện cho phép từ tháng 4/2014.
Trước ý kiến của lãnh đạo xã, cụ từ đình và thành viên ban khánh tiết Tả Tương Quý nói: "Ngày xưa ở quê tôi có luật người sống không có đất ở thì ở đất công, người chết không có chỗ chôn thì chôn ruộng quan. Những người ở trong vùng được ghi trong hồ sơ thuộc di tích là người ở đất công... Dân ở đó cũng không sao, nhưng chúng tôi nhất định không tán đồng việc làm mới chợ tạm thành chợ dân sinh".
Hồ sơ xếp hạng di tích đình chùa La Phù lập tháng 12/1986 có viết: Đình La Phù là ngôi đình của một làng cổ, chứa đựng bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Tuy không còn tài liệu văn tự nào ghi chép về niên đại ra đời cụ thể của đình La Phù, nhưng dựa niên đại của một số hiện vật còn lưu giữ và những kiến trúc điêu khắc cổ tại đình, mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, có thể xác định, ngôi đền được xây dựng vào triều đại này (thế kỷ 16-18). Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hoá đã quyết định công nhận đình và chùa La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức), là di tích kiến trúc nghệ thuật. |
Quỳnh Trang