5h sáng 9/3, Singapore và Malaysia thay đổi vùng tìm kiếm rộng hơn, hướng về phía đảo Thổ Chu, Việt Nam. Máy bay của Mỹ cũng tham gia bay dọc theo vùng tìm kiếm R208-IGARI (thuộc vùng FIR - Flight Information Region của cả Malaysia và Singapore).
Tính đến 18h30 ngày 8/3, Việt Nam đã sử dụng 2 máy bay và 7 tàu tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, sau đó 2 máy bay đã trở về đất liền. Dự kiến 6h30-7h sáng 9/3, Việt Nam sẽ điều 3 máy bay (1 trực thăng, 2 chiếc AN 26, 1 chiếc MI 171) cùng 1 máy bay của Singapore tiếp tục làm nhiệm vụ.
Khoảng 16h30, một chiếc máy bay khảo sát của Việt Nam báo về trung tâm chỉ huy phát hiện một vệt như dầu loang trên biển. Vệt này dài 20 km, nằm ở toạ độ 0755N - 1031852E, trong vùng FIR của Việt Nam. Chưa thể tiếp cận hiện trường để khẳng định có phải dầu loang hay không, tàu bay đã phải quay về tiếp nhiên liệu.Ngoài vệt nghi dầu loang nói trên, máy bay của Việt Nam tiếp tục phát hiện thêm một vệt như dầu loang cách đó không xa. Vị trí phát hiện cách đảo Thổ Chu khoảng 150 km và cách Mũi Cà Mau khoảng 190 km.
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đánh giá vệt nghi dầu loang kéo dài tới 15-20 km vì vậy khả năng cao là có liên quan tới chiếc máy bay mất tích.
"Cần vài tiếng để lực lượng tìm kiếm cứu hộ Việt Nam tiếp cận được nơi có vệt nghi dầu loang", ông nói thêm.
Các lực lượng hải quân, không quân Việt Nam vẫn tích cực trực chiến. Lúc 18h50, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo Cục Hàng không và các đơn vị chức năng vẫn túc trực tại trụ sở Cục để tham gia điều phối hoạt động tìm kiếm.
Tuy nhiên, ông Phạm Quý Tiêu cho biết thêm, trời tối hệ thống máy bay không thể tiếp tục hoạt động và phải quay về. Công tác tìm kiếm lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào đội tàu của Hải quân Việt Nam cùng Malaysia và Phillipines.
Thời gian tiếp cận khu vực dầu loang vì thế có thể kéo dài 3-4 tiếng, khoảng 22-23h đội tìm kiếm mới có thể tới nơi.
Hai chiếc máy bay được cử tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam thuộc dòng AN 26, là máy bay vận tải của Bộ Quốc phòng. Do lợi thế bay được tầm thấp hơn, loại máy bay này phù hợp cho công tác tìm kiếm, từ đất liền ra, AN 26 thực hiện tìm kiếm liên tục 30 phút thì phải quay về tiếp nhiên liệu.
Lúc 15h45, một trong hai chiếc đang thực hiện tìm kiếm trong vùng nghi vấn. Sau đó, máy bay sẽ vòng về sân bay Cần Thơ tiếp nhiên liệu và máy bay thứ hai cất cánh.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, một tàu tìm kiếm cứu nạn của Cục hàng hải Việt Nam đã xuất phát lúc 15h chiều nay, dự kiến 5 đến 6 tiếng nữa sẽ tiếp cận khu vực nghi có chiếc máy bay mất tích.
Tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, một ban chỉ huy đã được thiết lập để trực tiếp chỉ huy việc tìm kiếm. Khi có bất cứ thông tin gì mới từ hiện trường, các đội tìm kiếm sẽ báo về ngay. "Tuy nhiên, đến 15h50 vẫn chưa có thông tin gì mới", Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh nói.
Lực lượng hàng hải và hải quân Việt Nam cũng đang tích cực tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trao đổi với VnExpress chiều 8/3, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong lúc 2 máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không - Không quân cất cánh từ Tân Sơn Nhất, 2 tàu cảnh sát biển và tàu cứu hộ cũng xuất phát từ Cà Mau và Vũng Tàu.
Tướng Giang cho hay, ngoài lực lượng trực tiếp xuất phát đến vị trí máy bay của Malaysia gặp nạn, Việt Nam cũng bố trí 7 máy bay và rất nhiều tàu Hải quân, Cảnh sát biển, cứu hộ sẵn sàng nhận lệnh.
|
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát - Chính ủy Hải quân vùng 5 đóng tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) - cho biết đơn vị đã nhận lệnh triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay Malaysia mất tích. Lúc 15h35, hai tàu của Hải quân vùng 5 đã xuất phát từ Phú Quốc chạy về hướng máy bay Malaysia mất tích ở vùng biển có thể là khu vực tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia, cách đảo Thổ Chu của huyện Phú Quốc khoảng 153 hải lý (khoảng 300 km). Theo ông Phát, khoảng 15 giờ sau 2 tàu cứu hộ của đơn vị mới có thể đến vị trí được cho là có máy bay bị nạn.
“Chúng tôi vẫn còn nhiều tàu cứu hộ đang chờ lệnh từ cấp trên. Cứ sau 15 phút nhận lệnh là tàu sẽ xuất phát và đến giờ vẫn chưa có thông tin gì mới liên quan đến máy bay Malaysia mất tích”, ông Phát nói lúc 17h30.
Ông Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, đã lệnh cho các đồn biên phòng ven biển phối hợp với ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển của tỉnh này để tìm kiếm cứu nạn.
Theo ông Phong, thông tin người dân nhìn thấy máy bay rớt xuống vùng biển gần đảo Hòn Chuối của tỉnh Cà Mau và chính quyền nơi đây đang cứu hộ là không có cơ sở.
Phối hợp tìm kiếm cùng hai máy bay Việt Nam còn có 3 máy bay của Malaysia và một máy bay của Singapore.
Tuy nhiên, khu vực khoanh vùng tìm kiếm của ba nước không giống nhau. Khu vực Việt Nam nhận định rộng khoảng 10.000 km vuông. Khu vực Malaysia khoanh vùng rộng gấp đôi. Còn Singapore khoanh vùng nhỏ nhất.
"Máy bay mất tín hiệu khi đang ở vùng FIR (vùng thông báo bay) của Singapore. Nếu tai nạn xảy ra, khả năng rất cao là máy bay sẽ rơi vào vùng FIR của Việt Nam", Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhận định và cho biết thêm, lúc máy bay mất tích, thời tiết không có gì bất thường. Chiều nay, thời tiết tiếp tục thuận lợi tại khu vực tìm kiếm.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia xuất phát từ Kuala Lumpur lúc 0h41 giờ địa phương dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 6h30 sáng nay. Trong thông cáo báo chí phát đi lúc 16h20 (giờ địa phương, tức 15h20 Hà Nội), Malaysia Airlines cho biết vẫn chưa thể thiết lập liên lạc cũng như xác định được dấu vết chuyến bay MH370. Chuyến bay này bắt đầu đứt liên lạc lúc 2h40 sáng (giờ Kuala Lumpur) sau gần 2 tiếng xuất phát.
"Chúng tôi vẫn đang nỗ lực xác định vị trí hiện tại của chuyến bay dựa trên những thông tin thu thập được trước khi máy bay rơi. Chúng tôi đang phối hợp với đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế để khoanh vùng. Cho đến lúc này, chúng tôi chưa nhận bất cứ tín hiệu khẩn nguy nào từ MH370", thông cáo viết.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thông tin, máy bay dự kiến chuyển giao cho FIR (vùng thông báo hướng dẫn bay) Hồ Chí Minh lúc 17h22 (giờ GMT ngày 7/3, tức 1h22 giờ Kuala Lumpur). Khi máy bay mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao. Trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút thì mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar.
Khu vực máy bay phát tín hiệu lần cuối lúc chuẩn bị chuyển giao là không phận gần tỉnh Cà Mau.
Nhóm phóng viên