Trong đề xuất với TP HCM về mô hình trồng dừa trên các tuyến đường mới và ven kênh rạch, Hiệp hội dừa Việt Nam cho rằng, với hệ thống sông ngòi chằng chịt thành phố có hơn 500 km đường ven kênh. Nếu mật độ trồng 5 m một cây thì hai bên bờ kênh có thể trồng được khoảng 100.000 cây dừa.
Với khả năng chống chọi mưa bão cao và phù hợp với hầu hết các loại đất, theo hiệp hồi này, trồng dừa làm cây xanh ở đô thị sẽ rất hiệu quả kinh tế do ít tốn công chăm sóc. Cây dừa còn là cây thân thiện với môi trường, tạo được cảnh quan đẹp, trữ tình mang nét đặc trưng của vùng đất phương Nam. Với dạng lá thùy lông chim, lá dừa còn có tác dụng làm giảm được tiếng ồn, lọc không khí và giảm nộ cuồng trong mùa giông bão.
Ngoài ra, việc quản lý bảo dưỡng loài cây này có thể xã hội hóa, tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ. Đơn vị bảo dưỡng chăm sóc sẽ có được nguồn thu hằng tháng từ dừa cho công tác duy tu chăm sóc từ việc thu hoạch trái và lá dừa. Nếu không muốn để dừa ra trái, có thể chiết xuất mật hoa dừa.
Trước mắt, Hiệp hội dừa Việt Nam đề xuất tổ chức khảo sát thực tế hàng dừa dọc kênh Tàu Hũ (quận 8, TP HCM) để hiểu thêm về lai lịch và tác dụng của hàng dừa đó đối với môi trường sống của cư dân địa phương. Sau đó, tổ chức hội thảo về giá trị của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế và du lịch nội đô TP HCM và những ý kiến phản biện để có cơ sở khắc phục.
Trước đề xuất trên, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh và các nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu. Dù trước đó, năm 2013 UBND TP đã ban hành danh mục các cây xanh cấm trồng ở đô thị, trong đó có cây dừa vì loài cây này có quả to, khi rụng có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trao đổi với VnExpress, TS Viên Ngọc Nam (Giảng viên Đại học Nông Lâm TP HCM) cho biết, dừa (không phải dừa nước) là loại cây không chịu được ngập, nếu bị ngập úng dừa sẽ chết do bị thối rễ. Bên cạnh đó, ven các kênh rạch hiện đã được bồi đắp đủ loại đất nên cây dừa cũng khó thích nghi. Vì vậy, nếu muốn trồng thì phải xác định cụ thể sẽ trồng ở địa điểm nào, chứ không thể nói ven kênh, rạch chung chung được. "Tuy nhiên, với góc nhìn khoa học thì thường chẳng ai trồng cây dừa làm cây xanh ở đô thị cả", ông Nam cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM) nói: "Dù có can thiệp để dừa không ra trái thì theo tôi cũng không nên trồng vì cây dừa cao, bóng mát lại không nhiều, trong khi thành phố đang cần thêm nhiều bóng mát. Mà cây dừa dáng cũng không đẹp, vì vậy nên trồng các loại cây khác", ông Lý nói.
Hữu Công