Thảo luận về việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 8/6, Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa cho hay, chủ trương thực hiện dự án này xuất phát từ nhu cầu của ngành hàng không, khi sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải.
Về nguồn vốn, ông Nghĩa nói sẽ huy động nhiều kênh như ngân sách nhà nước, ODA, các nhà đầu tư, cổ phần hoá... "Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, không thể huy động vốn ODA hay tư nhân mà chỉ có thể lấy từ ngân sách", ông cho biết.
Theo Bộ trưởng, một dự án khác cần tiến hành là đường sắt dài 43 km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành. "Đây là cơ hội lớn cho TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương trong quá trình phát triển", lãnh đạo ngành giao thông khẳng định.
Bộ trưởng Nghĩa cho biết, việc đầu tư vào sân bay, nhà ga "không còn mới và đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm". Việt Nam đã có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC hoàn toàn do tư nhân đầu tư; rồi sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay Nha Trang đang được đầu tư với hình thức tương tự; nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã có 3-4 nhà đầu tư muốn tham gia.
"Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư", Bộ trưởng Nghĩa nói.
Ông Bùi Xuân Thống - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ủng hộ phương thức thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án Long Thành, đồng thời đề nghị Chính phủ triển khai sớm quy hoạch phát triển vùng đô thị bên cạnh sân bay.
Trước lo ngại việc triển khai dự án Long Thành sẽ khiến nợ công tăng, đại biểu Vũ Trọng Kim nói "nên có quan điểm mới về vấn đề này". Theo ông, "muốn kiến tạo phát triển thì phải có gan, vì có gan mới có thể làm giàu".
Ông đề nghị Chính phủ mạnh dạn trình ra Quốc hội cách thức thu hồi vốn và trả nợ vay để tránh tâm lý nặng nề là nợ công cao, cho nên không dám đầu tư.
Hoàng Thuỳ