Trình bày báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trong Dự thảo về địa vị pháp lý của Thủ tướng trong bộ máy Nhà nước.
Thường trực ủy ban pháp luật nhận thấy, việc luật hóa địa vị pháp lý của Thủ tướng là cần thiết nhằm xác định rõ hơn vai trò và mối quan hệ của Thủ tướng với tư cách là một thiết chế hiến định độc lập trong bộ máy Nhà nước. Nhưng nội dung này trong Dự thảo luật còn chưa cụ thể. Do đó, Thường trực ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bổ sung thêm một điều về Thủ tướng vào Dự thảo luật.
Có đại biểu đề nghị thiết kế nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng theo hướng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật tổ chức Chính phủ năm 2001, không bổ sung thêm nội dung mới.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, bám sát nội dung Hiến pháp; đồng thời, đề nghị cân nhắc để không quy định về thẩm quyền của Thủ tướng ở bốn lĩnh vực.
Theo đó, Thủ tướng sẽ không được giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Thủ tướng cũng không được tạm giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Việc quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân và quyết định mô hình tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; quyết định giải thể các tổng cục, cục khi thấy hoạt động không có hiệu lực, hiệu quả, hạn chế phình bộ máy; phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong Dự thảo trách nhiệm của Thủ tướng, đề nghị quy định mỗi quý một lần, Thủ tướng báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện nào thì do Chính phủ quyết định.
Về vấn đề này, ông Lý cho biết, Dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và nhân dân tại Điều 25 Dự thảo trình Quốc hội. Việc báo cáo của Thủ tướng là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, Thường trực ủy ban pháp luật đề nghị được giữ như Dự thảo.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc giao quyền cho Thủ tướng ở bốn vấn đề, tuy nhiên Ban soạn thảo đề nghị giữ những điều khoản này để đảm bảo thống nhất. Nếu bỏ những quyền này sẽ tạo sự không thống nhất và thông suốt của nền hành chính. Nếu bổ nhiệm Bộ trưởng phải có quy trình thủ tục Chính phủ trình Quốc hội, hay chủ tịch UBND thành phố phải qua quá trình HĐND tỉnh bầu, rồi Chính phủ phê chuẩn. Để đảm bảo liên tục, thông suốt, hiệu quả, ông Bình đề nghị cân nhắc giữ thẩm quyền của Thủ tướng vì trong thực tế, một số địa phương làm quy trình thủ tục chậm, rất ảnh hưởng đến công việc điều hành.
Còn việc quyết định thực hiện các biện pháp cụ thể, cần thiết, Chủ tịch nước sẽ ban bố tình trạng này nhưng rút kinh nghiệm từ những vụ như 42 Nhà Chung, Tây Nguyên, Mường Nhé..., dù Chủ tịch nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng động viên nhưng để đảm bảo hiệu quả khi thực hiện lệnh của Chủ tịch nước, Thủ tướng có đủ thẩm quyền để quyết định ngay, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết nhanh nhạy, kịp thời.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, cái gì Hiến pháp giao thì Dự án luật phải thể hiện rõ để thi hành, còn không giao thì không viết. Hiến pháp quy định khi cấp trưởng có chuyện thì cử cấp phó tạm nắm quyền, ví dụ một Bộ trưởng điều động đi thì cử Thứ trưởng thay, Thủ tướng đi vắng có Phó Thủ tướng thay quyền giải quyết công việc.
"Giờ thêm Thủ tướng được giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng thì ai đưa ra đề nghị", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Về việc tổng động viên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, chỉ khi nào có lệnh tổng động viên thì mới tổ chức thực hiện. Vụ Mường Nhé chỉ là vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, chưa đến mức tổng động viên. Khi tổng động viên là phải có lệnh tổng động viên, tình trạng tổng động viên. Nếu chưa đến mức tổng động viên mà ban hành các biện pháp, áp dụng tổng động viên là không được.
"Vấn đề này là do Quốc hội quyết định, Chủ tịch nước công bố, đi theo đó là các biện pháp, quyền đặc biệt, tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, nhiệm vụ được giao luôn ở Hội đồng an ninh quốc gia. Các đồng chí vận dụng chưa thật sát Hiến pháp, cần phải cân nhắc kỹ", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Hoàng Thuỳ